CHIÊU VĂN VƯƠNG TRẦN NHẬT DUẬT – BẬC KỲ TÀI VỀ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA

         Trần Nhật Duật (1255 – 1330)  là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông và là một danh tướng của vương triều nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba.

        Từ bé ông đã nổi tiếng là ông hoàng hiếu học và “sớm bộc lộ thiên tri”, ham thích hiểu biết về các tiếng nói và các giống người”. Có thể nói tuổi trẻ của Trần Nhật Duật là những năm tháng miệt mài rèn luyện để thành tài . Truyền rằng khi mới sinh, trên tay Trần Nhật Duật có bốn chữ “Chiêu Văn đồng tử”. Sau Trần Thái Tông lấy đó mà đặt phong hiệu cho ông là Chiêu Văn.

        Học Tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành, Trần Nhật Duật không những sử dụng thành thạo các ngôn ngữ ấy mà còn am hiểu nhiều mặt của các nước đó, kể cả phong tục, tập quán của họ. Với các dân tộc trong nước, Trần Nhật Duật không chỉ hiểu tiếng mà còn hiểu cả về người.Ông cũng hay giao du, thăm hỏi người Chiêm, người Tống trong nước.

        Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông hay cưỡi voi đi thăm thôn Bà Già ( thôn này là khi Lý Thánh tôn đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng nước Chiêm đặt tên là Đa Da Li, sau gọi sai là Bà Già), có những lần ông đi chơi tới 3,4 ngày mới về.Ông cũng thường thăm chùa Tường Phù, lưu lại đây cả ngày để đàm đạo với tăng sỹ người Tống. Ông giao tiếp rộng như vậy mà những người ngoại quốc đến Thăng Long rất hay đến chơi nhà ông.Ông rất biết cách đón tiếp khách theo đúng phong tục tập quán của họ.

        Ngoài 20 tuổi, Trần Nhật Duật đã được triều đình giao trọng trách những công việc có liên quan đến các dân tộc có liên quan. Khi tiếp xúc với các sứ thần nhà Nguyên, ông vui vẻ, tự nhiên trò chuyện mà không cần có người phiên dịch, khiến sứ Nguyên khẳng định Nhật Duật là người Hán ở Chân Định (đất Triệu cũ của nhà Tống, gần Bắc Kinh) sang làm quan bên Đại Việt.

        Trong sách Các triều đại Việt Nam có chép lại câu nói đùa của vua Trần Nhân Tông về ông như sau: “Chiêu Văn Vương có lẽ không phải người Việt mà là hậu nhân của giống Phiên, Nam”.

        Năm 1280 chúa đạo Đà Giang (là vùng Mộc Châu, tỉnh Sơn La và Đà Bắc tỉnh Hòa Bình ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên cự lại triều đình. Cùng lúc đó thì nhà Nguyên đang chuẩn bị đại binh đánh Đại Việt. Cần phải dẹp ngay mối bất hòa trong nước, vua Trần Nhân Tông  phái Trần Nhật Duật trông coi đạo Đà Giang, chiêu dụ Trịnh Giác Mật đầu hàng. Được tin ấy Giác Mật định ám hại ông nên sai người tới doanh trại đưa thư cho ông: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Giác Mật xin ra hàng ngay”. Các tướng can ngăn sợ Giác Mật tráo trở, nhưng ông muốn thu phục Giác Mật nên đã một mình một ngựa đến trại Giác Mật và chỉ cho 5 đến 6 tiểu đồng đi theo hầu. Lúc Nhật Duật tới, quân Giác Mật liền dàn thành hai ba lớp vòng vây, ai nấy đều mang gươm giáo. Ông vẫn ung dung tiến thẳng vào trại, nói chuyện với người bộ tộc bằng chính phong tục và ngôn ngữ của họ. Ông uống rượu bằng mũi, và ăn bốc tay không với Trịnh Giác Mật. Người bộ tộc thấy vậy tỏ ra quý mến. Trịnh Giác Mật thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”, Nhật Duật bèn đáp: “Chúng ta xưa nay vốn là anh em” rồi sai tiểu đồng tới và tự tay mở tráp lấy những chiếc vòng bạc lấp lánh, trao tận tay từng đầu mục đạo Đà Giang. Sau khi Nhật Duật về quân doanh, Giác Mật dẫn cả nhà đến xin quy hàng.

        Việc Nhật Duật “không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang” khiến nhà Trần yên ổn được biên giới Tây Bắc để tập trung chống quân Nguyên Mông. Triều đình rất tán dương công lao của ông.

         Trần Nhật Duật không chỉ có tài ngoại giao tài ba như vậy mà ông còn được nhân dân ghi nhớ công ơn vì ông đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba. Cuối tháng 4 năm 1285 Chiêu Văn Vương bàn với Hưng Đạo Vương đón đánh quân Nguyên ở cửa Hàm Tử. Để phá vỡ nhuệ khí quân Nguyên, Nhật Duật tuyển nhiều người Tống cũ vào vào đạo quân của mình. Số quân này mặc sắc phục Tống, cầm cung tên đi đầu trận tuyến, chiến dấu rất hăng. Thượng hoàng Thánh Tông sợ quân sĩ tưởng quân Tống của Nhật Duật là quân Nguyên nên sai người đi dặn rằng: “ Đó là quân Thát của Chiêu Văn đấy, phải nhìn cho kỹ”. Quân Nguyên cho là Đại Việt được người Tống giúp nên rất hoảng loạn, phải tháo chạy tan tác. “Công đánh giặc Nguyên Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”.

       Chỉ bằng sự hiểu biết sâu sộng của mình về văn hóa và phong tục của các dân tộc trong nước cũng như nước ngoài của mình mà Nhật Duật đã thu phục được Trịnh Giác Mật và nay là đánh bại quân Nguyên, làm chúng khiếp sợ mà chịu thua.

       Trong Đại Việt sử ký toàn thư có bình luận về ông như sau: “Ông là bậc thân vương tôn quý làm quan trải bốn triều (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông)…Nhật Duật là người nhã nhặn, độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt”.

       Nhân dân ghi nhớ công ơn của Chiêu văn Vương nên đã lập nhiều đền thờ ông tại các tỉnh trong cả nước. Tiêu biểu ở quê hương Nam Định có Đình Đệ Tứ, phường Lộc Hạ là nơi thờ ngài. Đây được coi là nơi duy nhất của thành phố Nam Định thờ ngài. Tên tuổi và sự nghiệp của ngài đã góp một phần không nhỏ vào sự hưng thịnh của quốc gia Đại Việt thời Trần. Vì vậy mà tháng 9 năm 1989 đình chùa Đệ Tứ đã được Nhà nước cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.Ban thờ bên tay trái hậu cung là nơi thờ bài vị Tá thánh thái sư Chiêu văn vương Trần Nhật Duật. Sắc phong của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật được nhân dân thờ tại Đình Đệ Tứ .

Đình Đệ Tứ, phường Lộc Hạ, TP Nam Định là nơi thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật

Tài liệu tham khảo:

  • Các triều đại Việt – NXB Thanh niên – Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng
  • Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Thời đại – Ngô Sỹ Liên

Bùi Thu Trang

Ban quản lý khu di tích LS - VH Đền Trần, Chùa Tháp

TP. Nam Định


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn