TRẢI NGHIỆM CÁC TRÒ CHƠI DÂN GIAN TẠI LỄ HỘI ĐỀN TRẦN

TRẢI NGHIỆM CÁC TRÒ CHƠI DÂN GIAN TẠI LỄ HỘI ĐỀN TRẦN

Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị “Thần- Thánh” - những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Đến với lễ hội truyền thống đền Trần, thành phố Nam Định du khách thập phương không chỉ được tham dự các nghi lễ mang tính tưởng niệm thiêng liêng nhằm tưởng nhớ và tôn vinh anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và vương triều Trần mà còn được thưởng thức các trò chơi dân gian đặc sắc mang đậm giá trị văn hóa dân tộc.

Trong thời gian diễn ra lễ hội bên cạnh các hoạt động tế lễ, biểu diễn văn hóa văn nghệ, thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn thu hút sự quan tâm của người dân. Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với sở thích nhiều lứa tuổi. Theo đó mỗi trò chơi đều có luật riêng và mang những sắc thái khác nhau vừa rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật, vừa thể hiện tinh thần thượng võ và cũng là chất keo gắn kết cộng đồng.

Trò chơi Cờ Bỏi

Một trong những trò chơi dân gian đặc sắc được tổ chức tại lễ hội đền Trần thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách thập phương phải kể đến trò chơi Cờ Bỏi. Trò chơi này không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn mang đầy tinh thần thể thao trong một cuộc đấu đầy trí tuệ mang đậm bản sắc dân tộc Việt.

 

Cờ Bỏi thực chất là một môn cờ tướng do người đóng thành các quân cờ. Bàn cờ là sân rộng trước cửa đền Trùng Hoa, mỗi ván cờ là 32 quân. Mỗi lần đi một nước, kỳ thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bàn cờ. Cứ mỗi lần ăn quân của đối phương thì quân cờ thể hiện bằng 1 bài biểu diễn song đấu hoặc một bài tự vệ… Cờ bỏi còn mang đậm dấu ấn diễn xướng dân gian thông qua các điệu múa kèm theo những bài vè đặc trưng.

Mỗi ván đấu kéo dài khoảng 2 giờ. Nếu sau 2 giờ chưa kết thúc, ban tổ chức sẽ cho bốc thăm để phân chia thắng bại.

               Trò chơi chọi gà

              Trong các hoạt động hội, trò chơi chọi gà cũng rất đặc sắc. Trò chơi chọi gà là một thú chơi tao nhã, vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Chọi gà được cho là du nhập vào Việt Nam từ thời Lý, trở thành  thú vui của các bậc vương tôn quý tộc. Nhưng thú vui đó dần lan truyền ra dân gian, đến đời nhà Trần thì phát triển vô cùng mạnh mẽ, làm say mê mọi tầng lớp trong xã hộ. Trò chơi chọi gà đòi hỏi một sự kỳ công lớn của người nuôi, từ việc chọn gà giống phải là gà chọi "nhà nòi". Lựa chọn kỹ gà bố, gà mẹ rồi đến khi trứng nở ra gà con lại được lựa từ dáng vẻ chân, mỏ, mình, đầu... Những chú gà nòi được nuôi rất công phu và đưa chúng tập luyện với các chú gà chọi khác để làm quen dần với những trận chiến đấu.

 

               


              Các trận chọi gà luôn thu hút đông đảo sự chú ý. Hai con gà chọi đỏ gay lừa mổ nhau, đập cánh vào nhau, nhảy lên đá móc vào nách, vào cổ họng, vào ức của đối phương rất quyết liệt, hoặc ghì nhau đè cánh đạp chân như những đấu thủ trên sàn đấu. Có những trận đấu kéo dài hàng tiếng đồng hồ mà không phân biệt thắng thua. Người xem bàn tán, tranh luận sôi nổi, khiến cho không khí lễ hội lại càng trở nên rộn rã. Trong quá trình thi đấu, nếu như thấy gà đuối sức, người chơi có thể xin dừng cuộc chơi để tránh gây thương tích cho gà. Thi đấu xong người giành phần thắng sẽ không trao bằng tiền mà sẽ được bên thua đãi một bữa ăn thịnh soạn. Việc thi đấu ở đây đôi khi thắng thua không quan trọng, mà chủ yếu để những người nuôi gà chọi chia sẻ kinh nghiệm, khán giả chứng kiến những pha biểu diễn kịch tính của các chú gà, tạo niềm vui trong mùa lễ hội.

Trò chơi đấu vật

Trò chơi đấu vật tại lễ hội đền Trần cũng thu hút đông đảo người xem. Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao. Ngày xưa, giải thưởng có thể bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác.

 

               Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên. Trong môn vật này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà sự mưu trí và nhanh nhẹn đóng góp phần đáng kể.

              Về kỹ thuật cũng có những "miếng" riêng như đệm, bốc, ghì... mà tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện đô vật phải biết lợi dụng triệt để các thời cơ để quật ngã hay bê bổng đối phương.

Trống vật nổi lên là có sức thu hút mọi người, già, trẻ, gái, trai, đủ mọi tầng lớp nô nức đến bao quanh đấu trường; người ta bình luận say sưa, chê khen rành rọt từng thế, từng miếng vật, từng keo vật từng tác phong của mỗi đô. Bộ môn vật, ngoài tính cách giải trí vui chơi, còn là một môn thể thao hữu ích, giúp thanh niên trong làng thêm cường tráng, thêm nghị lực, lòng dũng cảm, để giữ làng, giữ lúa và giữ nước. Đấu vật đã trở thành một tục lệ, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Ngoài ra , tại lễ hội đền Trần còn rất nhiều trò chơi dân gian khác như múa rối nước, biểu diễn võ thuật cổ truyền, múa lân sư rồng...

 

 Múa rối nước

       Biểu diễn võ cổ truyền 

 

Múa rồng

Việc tổ chức trò chơi dân gian trong dịp lễ hội góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo sự phát triển bền vững của đất nước, là bản thông điệp giàu sức chuyển tải các giá trị nhân bản, nhân văn, giàu ý nghĩa về tín ngưỡng và văn hóa.

 

Người sưu tầm, biên soạn

Vũ Thị Hoàng Lan

BQL khu di tích Lịch sử- Văn hóa Đền Trần, Chùa Tháp.TP Nam Định


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn