HOÀ GIẢI VÀ YÊU THƯƠNG MỘT TƯ TƯỞNG ĐẶC SẮC TRONG HỆ THỐNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐỨC VUA- PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (tức ngày 11/11/ Mậu Ngọ), quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng thành phố Nam Định), con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng hậu Nguyên Thánh. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, khi sinh ra, thân Ngài có màu sắc hoàng kim, nước da vàng sáng rất đẹp, nên gọi Ngài là Phật kim. Ông là vị vua thứ 3 của nhà Trần, người lãnh đạo hai lần đại thắng quân Nguyên Mông xâm lược (năm 1285 và năm 1288), Ông làm vua 15 năm (1278 - 1293) đồng thời là một nhà thơ và nhà văn hoá lớn - người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Xuyên suốt cuộc đời và bao trùm sự nghiệp của vị Vua - Phật kiệt xuất chính là lòng nhân ái bao la.

Dưới triều vua Trần Nhân Tông, tinh thần vệ quốc được phát huy ở mức cao nhất, toàn dân sẵn sàng, quân sĩ tỏ thái độ quyết không đội trời chung với địch. Những thắng lợi từ cuộc kháng chiến thần thánh đã giúp nhà Trần giữ vững nền độc lập dân tộc, đặt nền móng cho việc mở mang bờ cõi, ổn định biên cương và  xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiêu biểu cho các giá trị truyền thống. Đặc biệt, đây chính là những chiến thắng đã khởi đầu cho sự sụp đổ của đế chế Nguyên - Mông, giải thoát cho các quốc gia khác khỏi ách thống trị xâm lược tàn bạo. 

Trong rất nhiều giá trị tư tưởng Trần Nhân Tông, cho đến ngày nay, thế giới ngày càng biết đến rộng rãi tư tưởng về hòa hợp và hòa giải. Chiến thắng lừng lẫy giặc Nguyên Mông, Hoàng đế Trần Nhân Tông đưa đất nước bước vào những ngày hòa bình thịnh trị bằng chính hòa giải và hòa hợp.

Không chỉ tha cho kẻ phản bội, tư tưởng hòa hợp, hòa giải của Hoàng đế Trần Nhân Tông còn là tha cho kẻ thù. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có một chi tiết: “Hưng Trí Vương không được thăng trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng”. Chỉ một chi tiết nói về việc ban thưởng cho tướng lĩnh sau chiến tranh, vì Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn hăng say đón đánh bọn giặc Nguyên trên đường tháo chạy về nước sau khi đã có lệnh của vua Trần Nhân Tông không được cản trở chúng nên không được thăng chức, cho thấy cả một tư tưởng lớn. Ở thế kỷ XIII, kết thúc chiến tranh, đức vua Trần Nhân Tông đã cố gắng xóa bỏ hận thù: hận thù trong lòng dân tộc và hận thù với kẻ thù.

Sau khi lãnh đạo toàn dân đánh thắng quân xâm lược, vua Trần Nhân Tông bắt tay xây dựng đất nước bằng việc khởi xướng tinh thần yêu thương hoà giải. Ngay sau khi về lại Thăng Long, vua đã ra lệnh đốt tất cả những bằng chứng có thể kết tội những người đã từng thông đồng với giặc. Việc này được sử sách ca ngợi có tác dụng an dân và định nhân tâm một cách sâu sắc và thành công. Để rồi trong toàn bộ công cuộc mở mang  bờ cõi và xây dựng nền văn hóa, vua Trần Nhân Tông đã tụ hội được những người giỏi nhất giúp sức cho đại nghiệp.

Việc xoá bỏ mọi dấu tích của những người trong lúc loạn lạc lầm lỗi theo giặc, vua Trần Nhân Tông đã dùng trí tuệ và sự nhân từ của đạo Phật kết hợp với tinh thần đoàn kết truyền thống của dân tộc Việt Nam để tập hợp mọi người vào một sự nghiệp chung. Sự hoà hợp đó trở thành nền móng căn bản nhất cho việc hình thành và phát triển một nền văn hoá Việt Nam tiêu biểu cho các giá trị nhân văn, cao cả và yêu thương giữa con người. Các giá trị này, kể từ thời điểm đó đã là những giá trị phổ quát chung của nhiều dân tộc trên thế giới, bất chấp khoảng cách địa lý, khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ.

Để có những đánh giá, nghiên cứu kĩ hơn về những đóng góp của Trần Nhân Tông trong quá trình kiến tạo nền hòa bình, tinh thần hòa hiếu giữa các dân tộc trên thế giới, năm 2012 viện Trần Nhân Tông được thành lập do một số nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Harvard – Hoa Kỳ, Giáo sư Thomas Patterson làm Chủ tịch. Ông hiện là Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Harvard, được đánh giá là Trung tâm nghiên cứu Báo chí, Chính trị và Chính sách công uy tín trên toàn cầu, nơi thu hút được nhiều nhà lãnh đạo truyền thông, nhà báo nổi tiếng thế giới.  

Mục đích Viện Trần Nhân Tông đề ra gồm: (1) Tổ chức nghiên cứu về Trần Nhân Tông theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời xuất bản các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm về Trần Nhân Tông bằng nhiều loại hình. (2) Thúc đẩy, ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống. (3) Quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới. Lần đầu tiên Viện trao một giải thưởng quốc tế mang tên « Trần Nhân Tông Hòa giải và Yêu thương » và tổ chức một hội nghị về chủ đề này. Đây là giải thưởng quốc tế do Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông của Đại học Harvard trao tặng thường niên cho những người có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp hòa giải, yêu thương và hướng thiện trên thế giới, dựa trên sự xét duyệt của Ủy ban Giải thưởng do Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông đề cử. Giải thưởng được trao tặng cho bất cứ ai có “đóng góp để xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo nhằm hòa giải, chấm dứt xung đột, dành tình yêu thương cho nhân loại, ngăn chặn bạo lực và thúc đẩy các hành động hòa giải, hòa bình và tình yêu thương”.
Hàng năm, Ủy ban Giải thưởng của viện sẽ lựa chọn 2 nhân vật có nhiều đóng góp cho yêu thương và hòa giải để trao giải. Người nhận giải sẽ được tặng thưởng Huân chương Trần Nhân Tông, bằng chứng nhận cùng với một tác phẩm âm nhạc cổ điển ca ngợi người được tôn vinh hoặc một bài thơ.

Ngày 21/09/2012, tại trường Đại học Harvard Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập – bà Aung San Suu Kyi chính thức được trao tặng giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải, đây là 2 nhân vật được cả hội đồng cố vấn và xét giải thưởng cùng nhất trí cao để trao giải trong số những gương mặt sáng giá được giới thiệu, đề cử đến Uỷ ban giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải. Hội đồng cố vấn và xét giải thưởng quyết định chọn Tổng Thống U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập – Aung San Suu Kyi với tiêu chí của giải thưởng này trao cho 2 người ở 2 phía đối lập, xung đột, bắt tay, hoà giải với nhau. Hòa giải chỉ thực sự được diễn ra khi mỗi bên sẵn sàng bước tới với sự khoan dung, với một tấm lòng cao cả và điều chỉnh để tiến tới sự tương đồng.

Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đã có những nỗ lực ban đầu để đưa đất nước Myanmar biến chuyển tốt đẹp về chính trị, được thế giới trân trọng, ghi nhận. Đồng thời, giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà giải cũng muốn gửi đến lời chúc các vị lãnh đạo Myanmar tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa cho đất nước Myanmar và thế giới.

anh tin bai

Huân chương của Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải

       Tư tưởng ấy, đạo đức cao đẹp ấy của vị vua phật Việt Nam cách đây hơn 600 năm (1258-1308) nay được tôn vinh và toả sáng từ đất Mỹ với một giải thưởng quốc tế về hoà bình, yêu thương và hướng thiện thật đích đáng và có ý nghĩa biết bao, càng làm cho chúng ta tự hào về truyền thống tuyệt vời của đạo đức, tư tưởng và văn hoá Việt Nam.

Tại Việt Nam, ngày 01/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1717/QĐ-TTg về việc thành lập Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Viện có chức năng, nhiệm vụ chính: Nghiên cứu các di sản, giá trị văn hóa và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, giá trị văn hóa, tư tưởng thời nhà Trần và các vấn đề liên quan; tư vấn chính sách về phát triển, bảo tồn và phát huy di sản, giá trị văn hóa Trần Nhân Tông và văn hóa truyền thống của dân tộc; thực hiện hoạt động đào tạo về các chuyên ngành có liên quan theo quy định hiện hành.

 Trong suốt cuộc đời mình, dù làm vua, Thái thượng hoàng hay xuất gia, Vua Trần Nhân Tông luôn hướng hành động của mình vào lợi ích của đất nước, chăm lo cho dân, trọng đãi công thần và hiền tài. Ông là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm dấu ấn Việt; kết nối và tổ chức giới tu hành thành giáo hội, kết dựng Thiền phái với tư tưởng hòa quang đồng trần, giải thoát không rời thế gian.

Những đóng góp to lớn của ông đã được sử sách ghi nhận là “vị vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trung hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”. Sử cũ còn ghi lại, mặc dù đã xuất gia, nhưng Trần Nhân Tông vẫn thường xuyên trở về Kinh sư, hay Thiên Trường để kiểm tra việc triều chính, đi vân du nhiều nơi để học hỏi, đề ra nhiều kế sách có lợi cho quốc kế dân sinh. Tại ngôi chùa Phổ Minh dưới triều đại nhà Trần, năm 1301 Phật hoàng Trần Nhân Tông đã về đây giảng kinh Vô lượng.

Để tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ công lao to lớn của Ngài, năm 1688 nhân dân đã tạc bức tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn cùng hai đệ tử Pháp Loa và Huyền Quang thờ tự tại chùa.  Ngày 30-1-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg về việc công nhận bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm là bảo vật Quốc gia.

Nhân dịp kỷ niệm 715 năm ngày Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308 – 2023) bài viết như một nén hương thơm tưởng nhớ một bậc quân vương không chỉ lừng danh trong sự nghiệp chống ngoại xâm, mà tư tưởng “Hòa giải và yêu thương” của ông vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và mai sau.

           Sưu tầm và biên soạn

TRẦN THỊ THỦY

BQL Khu Di tích LS- VH Đền Trần , Chùa Tháp-TP. Nam Định

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971;

2. Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội – Thích Nhật Từ, NXB Hồng Đức


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn