Phố cổ ở Thành Nam

Phố cổ Thành Nam là khu vực gồm các phố xá buôn bán nằm giữa sông Vị Hoàng xưa và hai mặt tường thành phía đông và phía nam của thành Nam Định. Nếu như Hà Nội xưa có tới 70 phố thì thành phố Nam Định cũng có đến hơn 40 phố cổ.

Trong bài ca dao “Thành Nam cảnh trí”, tác giả dân gian xưa từng ca ngợi không khí tấp nập bán mua của những con phố đặc trưng của Thành Nam một thuở:

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành phố Nam Định có 35/38 phố Hàng, 4 phố Bến, 4 phố Cửa trong các phố. Hầu hết những phố cổ xưa mang tên mặt hàng thủ công và lâm thổ sản mà người dân buôn bán, sản xuất. Chẳng hạn như, ở phía đông trên bờ sông Vị, dân thôn Thi Thượng làng Vị Hoàng lập ra dãy phố ở ven sông cho người buôn bè luồng, nứa, tre, đan cót, bồ, sọt, thúng… đặt thành phố Hàng Cót; rồi Hàng Nâu bán củ nâu nhuộm vải. Người Bát Tràng ở Gia Lâm đưa hàng xuống bán thì lập Hàng Bát; các phố tiếp theo là Hàng Mâm bán mâm gỗ, chõng tre; Hàng Song bán song, mây, lá gồi…

Những tuyến phố cổ cho thấy một Thành Nam từ xa xưa đã phát triển thịnh vượng, phố phường đông vui với nhịp sống hiện đại, phồn vinh và rất đỗi thanh lịch, hào hoa.

Những tuyến phố cổ một thời đã đi vào văn chương, hội họa, lịch sử, tâm hồn dân tộc. Trong thơ Tú Xương, nhà thơ trào phúng nổi tiếng thế kỷ XlX, ta đã nhiều lần bắt gặp những phố Hàng: “Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành”; “Ở phố Hàng Song thật lắm quan”.

Trong tranh của họa sĩ Hồ Y, những con phố cổ còn sót lại của Thành Nam ở những năm 1970 (thời điểm trước khi khu phố cổ đô thị hóa, hiện đại hóa) cũng gây thương nhớ cho nhiều người. Phố cổ Nam Định trong tranh của ông có những đặc điểm riêng như các đoạn phố không có vỉa hè, những phố có vỉa hè lại không lát gạch mà xếp bằng những tảng đá xanh với những cột điện khung sắt màu đen… Nhà thơ Hải Như trong bài thơ “Nhớ về Nam Định” cũng đã có những câu thật tha thiết: “Đã trả về chưa? Tên gọi cũ phố Hàng Nâu cùng nhiều tên phố khác/ Để làm cầu hình dung sinh hoạt một thời xưa/ Qua phố Hàng Thao ta thèm đọc bảng ghi: nơi đây xưa Nhà hát/ Tú Xương viết bài “Đi hát mất ô” truyền tụng mãi không ngờ!”.

Trải qua bao biến thiên của thời gian, bao thăng trầm của lịch sử, Thành Nam ngày nay vẫn còn thấp thoáng đâu đây những nét xưa cổ kính, in dấu trong những công trình kiến trúc cổ. Đó là chiếc cổng vòm nơi ngõ Văn Nhân, hiệu thuốc Tế Mỹ Đường phố Trần Hưng Đạo, là những ngôi nhà cổ với khoảng sân sinh hoạt chung của nhiều gia đình ở phố Hàng Đồng.

Bên cạnh những kiến trúc mang phong cách thuần Việt ở các phố Vị Xuyên, Minh Khai, Hàng Sắt, Hai Bà Trưng, Bến Ngự là một số kiến trúc kiểu Pháp trên các phố Hồ Tùng Mậu, Ngô Quyền, Hoàng Văn Thụ... Và với những người yêu mến Thành Nam, nhất là những người con xa quê hương, những tuyến phố được đặt tên gắn với phong vị đất đai, nhịp sống sinh hoạt, mặt hàng đặc trưng do người dân sản xuất, kinh doanh sầm uất một thời, mãi mãi là kỷ niệm, dấu ấn không bao giờ phai./.

Theo baonamdinh.vn

http://tinhuynamdinh.vn/diem-den-nam-dinh/pho-co-o-thanh-nam-298139


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn