Ý NGHĨA CỦA HẠC THỜ TRONG THỜ CÚNG TÂM LINH Ở VIỆT NAM

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, trong tâm thức của mỗi người con đất Việt luôn muốn tìm về những chốn tâm linh, như: đình, đền, chùa, miếu, lăng tẩm, nơi thờ tự … để thắp nén tâm hương tri ân các bậc tiền nhân. Tại những nơi này, chúng ta được chiêm ngưỡng những đồ án trang trí vô cùng đẹp mắt. Trong muôn vàn hình thù độc đáo ấy, nổi bật nhất là hình các “linh vật" rất quen thuộc trong dân gian, đó là nhóm "Tứ linh", gồm: Long (rồng), Lân, Quy (rùa), Phượng và thêm bốn con vật khác là Ngư (cá chép), Bức (con dơi), Hạc, Hổ, gọi chung là “bát vật” được các nghệ nhân dân gian thể hiện qua nghệ thuật trang trí rất sinh động và linh thiêng.

   Đặc biệt, chúng ta thấy rất nhiều tranh, ảnh, điêu khắc, đồ thờ cúng...có hình ảnh chim Hạc. Hình tượng chim Hạc có gì đặc biệt và ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa tín ngưỡng của người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng?  Mỗi chúng ta có nên hay không sử dụng những văn hóa phẩm chim Hạc để giúp tạo ra những điều an lành tốt đẹp trong cuộc sống?

anh tin bai

Ban thờ Công đồng Hoàng đế - đền Trần – phường Lộc Vượng – TP Nam Định

Hạc, Rùa đều là những linh vật được con người yêu quý và mang nhiều đức tính tốt. Hình tượng chim Hạc thiêng thường gắn liền với Rùa. Bên cạnh ý nghĩa của đôi Hạc thờ, nhiều người cũng thắc mắc tại sao hình ảnh chim Hạc thường là cưỡi trên lưng Rùa hoặc ngậm ngọc, ngậm hoa sen? Lý giải cho thắc mắc này, GS Trần Lâm Biền – một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa – dân gian, đã có những chia sẻ và lý giải về vấn đề này như sau:

“Chim Hạc đầu đội công lý, mắt biểu trưng cho mặt trời và mặt trăng, cánh là gió, lông là cây cỏ, còn chân có ý nghĩa là đất. Bởi vậy, đây là một linh vật biểu tượng cho không gian, cho bầu trời và lực dương.

Ngoài ra, những con chim Hạc được thiết kế với chiếc mỏ há ra đang ngậm viên ngọc thể hiện sự trong sáng, còn biểu trưng cho đạo pháp.

Còn Rùa thuộc phần âm, biểu trưng cho đất. Đó vẫn là tư duy nông nghiệp, âm dương đối đãi tồn tại từ bao đời nay ở dân tộc Việt ta. Cho nên, hình ảnh chim Hạc đứng trên lưng Rùa về mặt nào đó, chính là biểu tượng của sự trường tồn.”

Theo truyền thuyết, Rùa và chim Hạc là 2 loài vật rất thân nhau. Rùa – loài vật dưới nước, biết bơi. Chim Hạc loài vật trên trời, biết bay. Khi trời làm mưa lũ cả một vùng rộng lớn, chim Hạc không biết bơi, Rùa đã cho chim Hạc cưỡi lên lưng, giúp đưa chim Hạc di chuyển khỏi vùng lũ tới vùng đất cao, khô ráo. Ngược lại, khi hạn hán chim Hạc giúp Rùa đi tìm tới các ao hồ. Như vậy hình ảnh đôi chim Hạc cưỡi lưng Rùa còn thể hiện cho lòng chung thủy, sự tương trợ lẫn nhau vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Chim Hạc đồng thờ còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những mong ước phát triển của con người được thể hiện qua hình dáng cao lớn, mỏ dài, nhọn, như mũi tên của sự vận động. Chim Hạc ngậm hoa sen tượng trưng cho sự giác ngộ, vươn tới ánh sáng, thoát khỏi u tối.

 Không những thế với một nước gắn liền với nền công nghiệp lúa nước như Việt Nam, hình ảnh chim Hạc vô cùng gần gũi gắn liền với sự chịu thương, chịu khó của con người Việt Nam. Hình tượng chim Hạc còn mang đến ý nghĩa về cuộc sống thanh cao, viên mãn. Chim Hạc là loài chim có tuổi thọ kéo dài, sống khỏe mạnh trong mọi hoàn cảnh và thời tiết nên thường mang đến ý nghĩa trường thọ. Việc sử dụng chim Hạc trên ban thờ cũng giống như một lời chúc bình an, sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Đây cũng là cách người Việt nhớ đến cội nguồn, gốc rễ, của mình.

Bên cạnh đó, đôi chim Hạc thờ còn được sử dụng như một liệu pháp để “trấn phong thủy”, ngăn chặn tà khí, điều xấu vào nhà. Đôi chim Hạc được đặt ở vị trí liên kết tâm linh huyền bí với thế vững chắc. Với mong ước gia đình luôn hạnh phúc, hòa thuận để vượt qua mọi chuyện khó khăn trong cuộc sống.

Từ thời kì các triều đại phong kiến, chim Hạc đã  được xem là biểu tượng của sự nghĩa hiệp, quân tử, ưu tú… Vì lý do này, triều phục của các quan sẽ thêu hình chim Hạc để biểu tượng cho cốt cách của người sĩ phu “đầu đội trời, chân đạp đất”.

Trong nghệ thuật tạo hình, chim Hạc thường được quan sát đầu tiên, người ta nhìn hình ảnh của nó mà thưởng thức, mà đánh giá tổng thể nội dung và hàm ý của bức họa.

Trong nghệ thuật chạm khắc, chim Hạc cũng thường xuất hiện gắn liền với cây Tùng nên được gọi là Hạc Tùng, nó trở thành biểu tượng cho sự cao sang - an lạc, khí chất trường thọ, bản lĩnh trước nỗi trầm luân. Khi người ta khắc họa Tùng và chim Hạc thì bức tranh lập tức minh chứng cho chí khí, cốt cách của người quân tử, là sự trường tồn bền vững, là khao khát sải cánh giữa không trung, và là dũng khí đương đầu với gian truân, thử thách.

Trong hình tượng trang trí, chim Hạc có kích thước lớn, cao với ước mong phát triển, thân chim Hạc hình khum, tượng trưng cho bầu trời, chân cao như cột chống trời.

Trải qua bao đời, nghệ thuật trang trí các công trình kiến trúc tâm linh được thể hiện rất phong phú, sinh động. Hình tượng các con vật, hoa lá, cỏ cây, tứ linh, bát vật ... được cách điệu thành các đồ án trang trí, vừa thích hợp với bố cục trang trí của không gian kiến trúc truyền thống, có tính thẩm mỹ cao, vừa mang sự linh thiêng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian, đậm nét bản sắc văn hóa Việt ngàn năm văn hiến.

Tuy lịch sử, xã hội đã có nhiều biến động, cùng với đó, tư duy thẩm mỹ trong kiến trúc qua từng thời kỳ cũng có nhiều đổi thay, song những đồ án truyền thống về tứ linh, bát vật nói riêng cũng như nghệ thuật trang trí và kiến trúc truyền thống tại các đình, đền, chùa … vẫn được gìn giữ và tiếp nối từ thế hệ cha ông đi trước, đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đến với đền Trần Nam Định là đến với vùng đất cổ linh thiêng – nơi phát tích của triều đại nhà Trần – một triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam,  bên cạnh sự tưởng nhớ, là hành trình trở về với nguồn cội, quý khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những đôi Hạc thờ -  sản phẩm được đúc thủ công có đường nét tinh xảo, từng nét chạm được nhấn nhá hài hòa, thể hiện “nét hồn” trong từng chi tiết lông, cánh, mắt, mỏ, mào,…. do các nghệ nhân làng nghề đúc đồng truyền thống Tống Xá – Ý Yên – Nam Định thực hiện.

Hạc thờ phổ biến ở đây là các đôi Hạc đồng cánh cụp, đuôi xoè, được phân chia làm 2 dòng cơ bản:

- Hạc đặt trên ban thờ có kích thước nhỏ, chầu hai bên đỉnh thờ, kích thước từ 40cm, 50cm, 60cm, 65cm, 70cm... Kiểu dáng Hạc thường là đứng trên mình rùa và ngậm Hoa sen.

 - Hạc đặt dưới đất, phía trước ban thờ thường có kích thước lớn, phổ biến là 1m27, 1m35, 1m55, 1m76, 1m97, 2m17.... Kiểu dáng Hạc được tối giản với kiểu đứng trên thân rùa, miệng ngậm viên Minh châu.

Khi cái nắng hanh vàng của mùa Thu trải khắp không gian, cũng là lúc người dân Nam Định cùng du khách thập phương với tấm lòng thành kính, háo hức tham dự LỄ HỘI THÁNG 8 tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định –  kỷ niệm 723 năm ngày hoá của  Đức Thánh Trần (20 tháng 8 năm Canh Tý 1300 - 20 tháng 8 năm Quý Mão 2023). Bởi, “tháng 8 giỗ Cha” từ lâu đã trở thành nét đẹp tâm linh, mang bản sắc, tín ngưỡng văn hóa của tỉnh Nam Định nói riêng và vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung.

Sưu tầm, biên tập

Vũ Thị Tuyết Mai

BQL khu DTLSVH Đền Trần – Chùa Tháp TP Nam Định

 

Tài liệu tham khảo:

1.    Viện Bảo tồn di tích, Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc, Nxb. Văn hóa dân tộc

 2.   L. Cadière, Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Nxb Thuận Hóa


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn