TỪ PHỦ THIÊN TRƯỜNG XƯA ĐẾN NAM ĐỊNH NGÀY NAY

Thế kỷ XIII, XIV triều đại nhà Trần, hành cung Tức Mặc – phủ Thiên Trường có vị trí như kinh đô thứ hai. Sau kỷ nguyên nhà Trần, Thiên Trường - Nam Định vẫn có vị trí như trung tâm phía Nam đồng bằng sông Hồng.

Năm 1225, nhà Trần nối tiếp nhà Lý, thu phục hiền tài, chấn hưng Đại Việt. Đại Việt sử ký toàn thư, chép: “Tổ tiên nhà Trần là Trần Kinh đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường”. Hương Tức Mặc xưa, nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Hành cung Tức Mặc được xây dựng chính xác từ năm nào thì sử cũ không nói đến, nhưng qua phân tích từ ghi chép của sử cũ, chúng ta có thể tin rằng Hành cung Tức Mặc đã được xây dựng từ trước năm 1231. “Năm Tân Mão (1231), mùa thu tháng 8, vua ngự đến Hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở tiên miếu, thiết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau” .

Năm 1239, vua Trần Thái Tông cho xây dựng hành cung Tức Mặc. Năm 1262, hương Tức Mặc được nâng cấp thành Phủ Thiên Trường, Như vậy hành cung Thiên Trường ra đời là sự phát triển tiếp nối từ Hành cung Tức Mặc. Phủ Thiên Trường là đơn vị hành chính đặc biệt, có vị trí như kinh đô thứ hai. Nơi đây có Cung Trùng Quang để Thượng hoàng về ngự sau khi truyền ngôi; lại có Cung Trùng Hoa để vua nối ngôi về chầu, yết kiến quốc sự.

 Phan Huy Chú, trong Lịch triều hiến chương loại chí, viết: “Các vua Trần sau khi nhường ngôi cho con đều về ở Thiên Trường, vua và các quan phải đến chầu theo định kỳ”. Nhà Trần thực hiện chế độ hai vua (Thái Thượng hoàng - Vua cha và Quan gia - Vua con). Theo nhà sử học Ngô Sỹ Liên: “Gia pháp Nhà Trần, con đã lớn thì cho nối ngôi chính, cha lui ở cung Thái từ, xưng là Thượng hoàng trông coi chính sự”.

 Thời Trần, nhiều quyết sách “sâu rễ bền gốc” của đất nước được khởi thảo, quyết định tại hành cung Thiên Trường. Tức Mặc - Thiên Trường còn có vị thế xung yếu về quân sự quốc phòng; là hậu phương vững chắc của kinh thành Thăng Long; nơi đây có hệ thống sông ngòi liên hoàn lợi hại về thủy binh, cả công và thủ. Từ Tức Mặc, theo sông Vĩnh Giang ra sông Hồng, ngược lên kinh thành Thăng Long, hoặc xuôi ra Biển Đông, tỏa đi các hướng. Trong 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ 13, các vua Trần, triều đình và tôn thất đều lui về Thiên Trường, tích lũy lương thảo, chỉnh đốn lực lượng, hoạch định kế sách tổng phản công chiến lược đánh tan giặc Nguyên Mông, đế chế phong kiến mạnh nhất thế giới đương thời.

Là đơn vị hành chính đặc biệt, Thiên Trường không chỉ là một trung tâm chính trị, nơi đây còn là trung tâm khởi phát nhiều giá trị văn hóa tư tưởng, tôn giáo, phong tục tập quán mang đậm bản sắc Đại Việt - Đông A. Giáo phái Trúc Lâm (Yên Tử) do Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, đã đưa Phật thời nhập thế, gắn đạo với đời, đồng hành cùng dân tộc. Tại đây hiện còn công trình Phật Giáo Chùa Phổ Minh và Tháp Phổ Minh 14 tầng được xây dựng thời nhà Lý phồn thịnh, đầu triều Trần nâng cấp, mở rộng.

Để chấn hưng đất nước, cùng với Thăng Long, tại Tức Mặc - Thiên Trường, vua Trần cho lập Nhà học chăm lo việc đào tạo, tuyển chọn hiền tài, không phân biệt sang hèn, tuổi tác. Khoa thi năm Đinh Mùi (1247), Nguyễn Hiền, người huyện Thượng Nguyên, sau thuộc phủ Thiên Trường, đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi. Thời thi Nho học, từ Trường Thi Thiên Trường, đã có 82 vị đỗ Trạng nguyên, Tiến sỹ, Phó bảng, và hàng ngàn Cử nhân, Tú tài, bổ sung vào bộ máy triều chính, giúp dân, giúp nước, trong đó có Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Tam nguyên Trần Bích San, Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị… Hồ Chủ tịch trong Lịch sử diễn ca đã viết: “Thời Trần, văn giỏi, võ nhiều. Người dân thịnh vượng, trong triều hiển vinh”.

anh tin bai

Quang cảnh trường thi Nam Định khoa thi năm Nhâm Tý (1912) với chòi canh và lều chõng của thí sinh - Ảnh tư liệu

Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), nhà Lê gọi Thừa Tuyên Thiên Trường. Năm 1469 dưới thời vua Lê Thánh Tông, lần đầu tiên có bản đồ Đại Việt, Thiên Trường được đổi làm thừa tuyên Sơn Nam. Năm 1741, Thiên Trường là một phủ lộ thuộc Sơn Nam Hạ, bao gồm 4 huyện Nam Chân (Nam Trực), Giao Thủy, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên.

Dưới triều Nguyễn, năm 1822 (Minh Mạng thứ 3) đổi tên trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định. Đến năm Minh Mạng 13 (1832) đổi trấn Nam Định thành tỉnh Nam Định (tỉnh Nam Định được thành lập), với 4 phủ, 18 huyện, bao gồm phần đất tỉnh Thái Bình hiện nay. Tên gọi trong nhân dân “ Thành Nam” bắt đầu từ khi nhà Nguyễn cho xây dựng thành Nam Định và cột cờ Nam Định vào khoảng năm 1812. Đến năm 1839 thành xây bằng gạch nung, từng bước hình thành phố, phường, khu dân cư, chợ búa. Khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp xác định: “Chiếm được Hà Nội và Nam Định là chiếm được Bắc Kỳ”. Tại Nam Định, Pháp xây dựng Nhà máy Dệt lớn nhất Đông Dương, cùng với nhà máy Rượu, nhà máy Chai. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề thành Nam Định mở mang, phát triển. Với vị trí kinh tế, văn hóa, địa lý, giao thông thủy bộ, vai trò trung tâm của thành Nam Định và tỉnh Nam Định ở phía nam Hà Nội và Đồng bằng Bắc bộ được hình thành, xác lập.

Năm 1890, Thái Bình tách ra thành tỉnh riêng và một phần phía bắc Nam Định tách ra để cùng một phần phía nam Hà Nội lập thành tỉnh Hà Nam. Chữ Hà là từ Hà Nội và Nam là từ Nam Định. Điều này cũng lý giải cho việc vì sao chuối ngự thường được gọi là chuối ngự Nam Định bởi cho đến 1890 vùng Lý Nhân vẫn thuộc Nam Định. Từ 1890 Nam Định còn lại 2 phủ và 9 huyện. Sau thời Trần, Nam Định vẫn giữ vị trí trọng yếu trung tâm phía nam Bắc bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng. Thời Lê - Nguyễn, tập trung khẩn hoang, quai đê lấn biển mở rộng đồng bằng hạ lưu sông Hồng trù phú; cho xây dựng nhiều đền đài, chùa miếu, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa làng - xã, bồi bổ hun đúc hạt nhân văn hóa dân tộc.

Nam Định nổi tiếng là đất văn hiến, đất hiếu học từ ngàn xưa đến nay. Trải qua các triều đại phong kiến, học hành thi cử luôn được người dân và quan lại chú trọng. Nhiều con em Thành Nam đỗ đạt cao, làm rạng danh quê hương như Trần Bích San, Vũ Công Độ, Trần Doãn Đạt, Trần Tế Xương…Năm 1920 Toàn quyền Đông Dương thời Pháp thuộc cho thành lập trường Thành Chung ( tiền thân của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày nay) là nơi đào tạo bậc học phổ thông cho con em Nam Định và các tỉnh xung quanh.

anh tin bai

Nam Định bình yên

Hiện nay Nam Định là một tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân gồm 1 thành phố và 9 huyện, tỉnh Nam Định có phía đông bắc giáp tỉnh Thái Bình, phía tây nam giáp tỉnh Ninh Bình, phía tây bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía đông nam giáp biển Đông (vịnh Bắc Bộ).

anh tin bai

                                                                            Thành phố Nam Định nhìn từ trên cao

Thành phố Nam Định được kỳ vọng sẽ có vị thế và xu hướng phát triển mới, khai thác có hiệu quả những tiềm năng để xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng. Song song với đó, thành phố Nam Định thực hiện quy hoạch và phát triển các khu đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho đô thị trung tâm. Bên cạnh việc hoàn thành hạ tầng các khu đô thị, khu tái định cư hiện có như: Hòa Vượng, Dệt May, Thống Nhất, Nam Sông Đào, Bãi Viên, Thành phố tiếp tục đầu tư đồng bộ, xây dựng các khu đô thị mới hiện đại như: Phú Ốc, Nguyễn Công Trứ; các khu dân cư Lương Xá, Vạn Diệp,... Cùng với việc tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực mới, thành phố Nam Định tiếp tục đầu tư nguồn lực để cải tạo, nâng cấp chất lượng hạ tầng tại các khu phố cổ, các di tích lịch sử văn hóa như bảo tồn di tích đền Trần – chùa Tháp, bảo tồn giá trị văn hoá lịch sử cảnh quan đặc trưng của thành phố Nam Định gắn với phát triển du lịch văn hoá tâm linh.

                                                                                                             Sưu tầm và biên soạn

                                                                                                                TRẦN THỊ THỦY

                                                                             BQL Khu Di tích LS- VH Đền Trần , Chùa Tháp-TP. Nam Định

 


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn