CÂY ĐA ĐÌNH TỨC MẶC MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG TÂM LINH LÀNG XÃ

Trong lịch sử phát triển của văn hóa dân tộc, hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình đã đi vào tiềm thức của bao người dân nước Việt.

Ngôi đình làng Tức Mặc, Phường Lộc Vượng, TP Nam Định gắn liền với hình ảnh cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi như một minh chứng lịch sử, truyền cho các thế hệ sau những thông điệp của quá khứ.

Đa là loại cây gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh, đã đi vào trong ca dao, dân ca của người Việt. Thuộc loài cây cổ thụ, rễ mọc dày, ăn sâu vào lòng đất, hút được linh khí của trời đất, có sức sống rất mạnh mẽ, bền bỉ, dẻo dai. Cây đa thường được người dân trồng nơi đình, đền, chùa, miếu với ước muốn Phật, Thánh ban cho mọi người được hưởng tam đa “Phúc, Lộc, Thọ” đó là 3 điều quý giá.

anh tin bai

Lễ gắn bia công nhận cây đa đình Tức Mặc là cây cổ thủ có giá trị lịch sử văn hoá

Cây đa đình Tức Mặc có gốc to, cây cao lớn, hùng vĩ, nhiều cành vươn dài ra tạo nên thế nghênh phong. Tán cây xanh tốt che rợp cả khu vực sân đình như chiếc ô lớn phủ bóng mát, che chở cho nhân dân làng Tức Mặc và khách hành hương về lễ Thành Hoàng.

          Theo thần tích, thần phả kể lại cây đa đình Tức Mặc gắn liền với vị Thành Hoàng nơi thờ “ Đương cảnh thành hoàng Trưng vương công thần thượng đẳng thần Phạm Thị Thục Côn công chúa sắc phong Chiêu Dung đại vương”. Bà là vị tướng có công theo Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán xâm lược giành lại nền độc lập ngay từ những năm 40 – 43 sau công nguyên.

Trong kháng chiến, thôn Tức Mặc ở vị trí trung tâm của xã nên tại đây thường diễn ra các cuộc họp của chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng. Đình làng với cây Đa đình như đài quan sát giúp các chiến sỹ của ta theo dõi và quan sát các hoạt động của địch còn là điểm cảnh báo tình hình địch và nhiều lần làm cho địch thất bại khi càn quét các khu vực quanh làng Tức Mặc, khiến chúng hoang mang khiếp sợ, mỗi khi phải hành quân qua đây. Phát huy tinh thần tòng quân đánh giặc từ những năm đầu kháng chiến, hàng chục thanh niên trong thôn, xã đã xin đi bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực để đánh giặc cứu nước. Trong hai năm 1949 – 1950 tại sân đình chính quyền địa phương làm lễ đưa tiễn thanh niên lên đường đánh giặc.

Đình Tức Mặc ngoài việc địa phương sử dụng họp bàn về việc làng, còn là nơi chuẩn bị triển khai các hoạt động lễ hội. Đây cũng là nơi hàng năm tổ chức yến lão vào ngày 10 tháng giêng, tổ chức ngày kỵ thành hoàng 24 tháng 4 và lễ giao hảo giữa hai làng Tức Mặc và Thượng Lỗi, đặc biệt đây là nơi chuẩn bị cho các lễ hội của làng ở Trần Miếu và chùa Phổ Minh. Lễ rước được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức rất chu đáo thể hiện tính trang nghiêm, đúng nghi lễ truyền thống với trang phục, cờ quạt, chiêng trống cho đến những cỗ kiệu cũng được sắp xếp trang trí đầy đủ. Trước khi tiến hành lễ rước các cụ cao tuổi vào đình Tức Mặc thờ Thục côn công chúa làm lễ xin phép rước Thành hoàng làng lên chầu Đức Vua, Đức Thánh Trần. Đoàn rước kéo dài hàng cây số, đi đầu là đội múa sư tử, tiếp sau là kiệu Phật đình, kiệu quan sứ giả mở đường trình các cung các cửa sau đó là kiệu bát cống, kiệu võng tiếp theo là các phường hội đi sau kiệu.

 
anh tin bai

Lễ rước từ đình Tức Mặc lên đền Trần

 Cây đa và mái đình Tức Mặc liên quan đến sự tôn thờ một liệt nữ có tinh thần chống giặc ngoại xâm, một minh chứng cho nét đẹp truyên thống của mảnh đất con người mà từ xa xưa đã có trang sử hào hùng thời Trần. Đây là nét đẹp vàng son mà hôm nay và mãi mãi về sau nhân dân cần gìn giữ bảo tồn và phát huy, hình ảnh cây đa cổ thụ như vị “ Thần mộc”  thiêng liêng, xanh mát và thanh bình, là nơi để người dân nghỉ ngơi, gặp mặt, chia sẻ tình cảm sau những giờ lao động vất vả.

Dù trải qua nhiều thế kỷ, tới nay cây đa đình Tức Mặc vẫn xanh tốt mang sức sống trường tồn, trở thành “mộc linh” quý của làng.

Đối với người dân địa phương luôn tâm niệm cây đa là nơi mang đến yên vui, ấm no cho mọi người.

Ngày 20 tháng 9 năm 2022 Ban Chấp Hành hội sinh vật cảnh Việt Nam đã kí quyết định số 41/QĐ-HSVCVN công nhận cây đa đình Tức Mặc là cây cổ thụ có giá trị lịch sử văn hóa.

Việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa của việc bảo tồn cây cổ thụ nói chung và “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa” nói riêng là vô cùng cần thiết, đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh, cây cảnh, cây bóng mát, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường. Xây dựng quy chế chăm sóc, bảo vệ “ Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa” gắn với các nội dung xây dựng khu dân cư văn hóa. Vận động nhân dân đóng góp công sức, trí tuệ, để duy trì sự tồn tại của “ Cây cổ thụ có giá trị lịch sử văn hóa ngày càng tốt hơn, thực hiện bảo vệ, làm biển, bia xác định rõ ý nghĩa, vị thế của cây. Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm , chặt phá, đào bới, xâm hại, việc thắp hương, đốt vàng mã làm ảnh hưởng đến cây. Giữ gìn cho cây được xanh tốt theo thời gian. Đây còn là cơ hội tôn vinh nét đẹp truyền thống của người Việt biết trân trọng quá khứ, yêu thiên nhiên, môi trường.

                                                                                          Người sưu tầm, biên soạn

Vũ Thị Hoàng Lan

BQL khu di tích Lịch sử- Văn hóa Đền Trần, Chùa Tháp.TP Nam Định


 
   
 
   

Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn