TẾT XƯA, TẾT NAY

Chúng ta đang sống giữa thời đại đổi mới, bước vào kỷ nguyên số - nơi con người dần bỏ đi những thứ cũ kỹ và thay vào đó là những xu hướng mới để tiếp cận gần hơn với sự phát triển. Một trong những thay đổi rõ nét nhất là cách người ta “ăn” Tết.

Tự bao giờ, Tết Nguyên Đán đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt, bởi đó là thời điểm linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu cho một mùa Xuân tràn trề nhựa sống, vạn vật sinh sôi. Trong tâm trí người Việt, Tết luôn là những hình ảnh vui tươi, quây quần đầy màu sắc.

Thế nhưng, phải chăng cuộc sống hiện đại, xô bồ khiến con người ta ngày càng sống vội mà quên đi giờ phút thiêng liêng sum họp của những ngày Tết? Tết ngày nay có còn giữ nguyên giá trị hay chỉ được coi là một kì nghỉ dài ngày?

Mỗi năm, khi Tết đến, Xuân về là mọi người lại hay so sánh sự khác biệt giữa ngày Tết xưa và nay. Nhiều người cứ nói Tết nay “nhạt” lắm, chẳng còn háo hức và mong ngóng như xưa. Tết đến kéo theo cả núi công việc phải làm, kéo theo cả những câu hỏi không muốn phải trả lời... có khiến bạn - một người sống trong thời hiện đại “sợ” Tết? Điều gì đã xảy ra với bạn từ một đứa trẻ đếm từng ngày tới Tết cho tới phiên bản hiện tại? Hãy cùng nhau dành một khoảng lặng và xem Tết xưa - Tết nay đã thay đổi thế nào?

Ngày trước, khi đời sống còn thiếu thốn, việc đón Tết đã trở thành một sự kiện lớn trong gia đình, được chuẩn bị trước hàng tháng trời: nào là chăm sóc mấy bụi chuối, bụi dong để chuẩn bị lá gói bánh chưng, bánh tét; nào là vỗ béo con lợn, đàn gà để dành ăn Tết, chọn riêng loại gạo và đỗ ngon nhất để gói bánh hay chuẩn bị tiền mua sắm quần áo cho bọn trẻ… Đầu tháng Chạp các bà, các mẹ nén vại dưa hành, dưa kiệu và sau lễ cúng ông Táo về trời thì tất bật chợ búa, dọn dẹp nhà cửa.

Tết xưa, luôn níu chân người ta lâu hơn ngoài phố, ai ai cũng hối hả chen nhau giữa các chợ để tỉ mẩn chọn cho mình được cành đào nhiều nụ, nhiều lộc nhất nhất về trưng Tết. Mọi thứ đều có thể mua được ở chợ và chỉ có thể mua được ở chợ để cả gia đình đón Tết tươm tất nhất có thể. Cũng vì thế mà chợ Tết xưa là cái gì đó háo hức và lắng đọng thật lâu trong ký ức mỗi người. 

Tết nay, ta nhận ra có ít nhiều sự khác biệt khi việc sắm Tết của các bà nội trợ có phần nhẹ nhàng và thong thả hơn. Không cần mất nhiều thời gian chuẩn bị, chỉ cần dạo một vòng quanh siêu thị, đi chợ vào những ngày giáp Tết hay thậm chí là một cú click chuột, mọi thứ đã sẵn sàng để cả gia đình đón Xuân vui vẻ, đủ đầy. Dẫu vậy, trong mỗi nhà, vẫn không thể thiếu được cành mai, cành đào hay chậu quất. Có chăng, người ta thích chơi thêm những chậu bonsai, những loài hoa đắt đỏ như địa lan, quýt cảnh, mơ trắng hoặc đào rừng. Có thể nói cây hay hoa là những gạch nối không thể thiếu giữa Tết xưa và nay.

Ngày nay cuộc sống ngày càng đủ đầy, các phong tục, thói quen trong dịp Tết cũng dần thay đổi. Việc ăn uống trong ngày Tết không còn quá quan trọng, chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Bánh chưng, lợn, gà… xưa vốn là món quý chỉ dùng trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết, thì nay đã là món ăn hàng ngày và đều dễ dàng mua được. Do đó, nhiều gia đình duy trì tục gói bánh chưng nhưng chỉ là để vui, để cho có không khí ngày Tết.

Tết xưa, mọi nhà đều mua tranh, treo câu đối trước cửa để mong cầu may mắn. Tết nay không còn nhiều nơi treo câu đối ăn Tết nữa. Thay vào đó, nhiều người chọn treo đèn lồng đỏ hoặc giăng kết nhiều loại dây kim tuyến cùng dây đèn lấp lánh.

Xưa kia, khi mà người dân đi lại bằng ngựa hay xe ngựa, xe kéo, thời gian về quê ăn Tết tính theo nhiều ngày đường. Đến sau này, khi đã có tàu hỏa, những ngày giáp Tết việc đi lại vẫn rất khó khăn. Những người ở xa quê có khi phải xếp hàng mấy ngày đêm may ra mới mua được vé.

Ngày nay, phương tiện giao thông tiện lợi, đầy đủ hơn nhiều: máy bay, tàu hỏa, ô tô khách, ô tô riêng, xe máy,... đủ loại phương tiện công cộng lẫn cá nhân để người dân có thể dễ dàng tìm về với gia đình cùng đón Tết. 

Tết xưa, chiều 30 Tết, nhà nào cũng nấu một vài nồi lá mùi để tắm, coi như đó là một cách loại bỏ những điều cũ kỹ và xui rủi trong năm cũ, ướp mình bằng hương thơm tự nhiên để đón năm mới tốt lành.

Nhưng ngày nay, người ta dùng sáp thơm và nước hoa cho tiện dụng và nhanh chóng. Tuy vậy, bóng dáng những gánh mùi già vẫn còn phảng phất hương thơm đặc trưng của ngày 30 Tết ở các con phố, các chợ dân sinh dành cho những ai vẫn còn nhung nhớ đến phong tục "ướp hương" cổ truyền này. Với cá nhân một số người, thấy hương thơm của nước lá mùi - chính là thấy Tết.

Tết cổ truyền xưa luôn có những phong tục lấy may. Theo dân gian, những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới là những giây phút thiêng liêng, bởi vậy người ta luôn thực hiện những điều tốt đẹp để hy vọng một năm mới gặp nhiều may mắn.

Chẳng hạn như đêm Giao thừa: đốt pháo để chúc mừng năm mới, hái lộc đầu xuân để rước may mắn về nhà, xông đất đầu năm để “lấy vía” từ người thành công, khai bút đầu xuân để cầu mong may mắn trong học hành, sự nghiệp,...

Tết nay, đêm 30, nhiều nhà tranh thủ dọn dẹp, trưng bày mâm cỗ cúng Gia tiên, sắp xếp thời gian để cùng nhau xem chương trình Táo Quân trước khi đón Giao thừa. 

anh tin bai

Chương trình Táo Quân – “món ăn” tinh thần quen thuộc của Tết nay trước khi đón Giao thừa

Nhiều gia đình hẹn nhau đi đến các điểm bắn pháo hoa ngoài trời, hòa chung không khí đón năm mới cùng người dân trong cả nước. 

anh tin bai

              Tết xưa, những bao lì xì đỏ đầy yêu thương được đám trẻ cẩn thận xòe hai tay đón lấy. Điều may mắn khi nhận phong bao lì xì là những câu chúc may mắn, an lành và nụ cười thân thương từ người mừng tuổi mới. Giờ đây, hiện đại hóa, ví điện tử phủ sóng dày đặc khắp thế giới, việc chuyển khoản trong tích tắc, người ở nửa bên kia địa cầu cũng sẽ nhận được tiền lì xì sau hai tiếng ting ting.

Nhiều người cho rằng, phải chăng sự thiếu thốn, không được đủ đầy trong Tết xưa khiến người ta cảm thấy ấm lòng và nhung nhớ hơn giữa những sơn hào hải vị, của ngon vật lạ đầy đủ của Tết nay?

Sự thay đổi của cuộc sống kéo theo sự thay đổi dòng chảy của văn hóa. Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, căng thẳng và giới trẻ ngày nay cũng lựa chọn một lối sống hiện đại, mới mẻ - sống cho riêng mình nhiều hơn. Nhiều người cố tìm kiếm một cái Tết thảnh thơi, cố gắng "làm ngơ" trước những âu lo, bộn bề và bận rộn của ngày Tết. Bởi cuộc sống hiện đại, kỷ nguyên công nghệ số càng khiến người ta nhiều lo toan, tất bật nên không còn nhiều thời gian chuẩn bị đón Tết.

Ở góc độ thực tế hơn, một bộ phận không nhỏ người trẻ và người lao động ngày nay "sợ" Tết bởi gánh nặng mưu sinh đè lên vai cùng với những thay đổi chóng mặt của thị trường. Thêm vào đó, cuộc sống có phần đề cao vật chất và áp lực tâm lý về vấn đề hôn nhân như đến tuổi lấy chồng, lương cao hay thấp,... khiến nhiều người còn cảm thấy e ngại, không mặn mà với việc về quê ăn Tết.

Tết là thời điểm mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau đi chúc Tết họ hàng và ở nhà mở cửa đón khách. Một trong những điểm khác biệt khác giữa Tết xưa và nay là xu hướng đi chơi Tết xa thay vì nghỉ Tết gần. Nhiều gia đình chọn đi du lịch vào dịp Tết như một cách nghỉ ngơi, xả stress sau một năm làm việc vất vả.

Có thể nói, Tết xưa nếu so về vật chất hay điều kiện đều không thể sánh bằng Tết nay, nhưng có lẽ sự thiếu thốn của những ngày ấy lại tạo nên sự ấm áp trong lòng người? Chính vì điều đó khiến nhiều người không còn náo nức trước mỗi dịp Tết về, cho rằng Tết đang dần nhạt đi. Nhưng suy cho cùng giá trị của Tết không nằm ở vật chất, tiện nghi mà hơn hết là tình cảm gia đình, sự đoàn tụ sau một năm dài xa cách, đó mới chính là điều ý nghĩa nhất của những ngày đầu năm mới.

Thời gian trôi qua, có những phong tục tập quán đã dần phai nhạt và nhiều người cũng không còn háo hức chờ đón Tết như xưa nữa. Càng so sánh, chúng ta càng tiếc nuối cho những truyền thống dân tộc đang dần mai một. Tết xưa – Tết nay đáng vui hay đáng buồn là do cảm nhận, cách đón Tết riêng của mỗi người. Tuy nhiên, có những điều không thể thay đổi: Tết là sum vầy, Tết là đoàn viên và Tết là để trở về.

Sưu tầm, biên tập

Vũ Thị Tuyết Mai

BQL khu DTLSVH Đền Trần – Chùa Tháp TP Nam Định

Tài liệu tham khảo:

Tìm Hiểu Phong Tục Tết Cổ Truyền Trong Văn Hóa Người Việt, NXB Đồng Nai

 


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn