Tết đến, nhà nào cũng phải có một cành
Đào hay cây Mai thế, một chậu Cúc, cụm Hồng nhung hay một cặp Đỗ quyên. Vì vậy
mà năm nào cũng thế, cứ đến hạ tuần tháng Chạp thì trên mọi nẻo đường đã được
điểm tô thêm bởi những sắc đỏ của Đào, sắc vàng của Quất. Đặc biệt, chợ Hoa
được họp từ khoảng 20 tháng Chạp đến tận đêm Giao thừa, ngày nào cũng nườm nượp
từ sáng đến tối, khách đủ mọi lứa tuổi chen nhau mua bán chọn lựa. Chợ Hoa bán
đủ thứ quất, cúc, đào, mai, thủy tiên… nhưng hoa mà được ưa chuộng nhất trong
ngày Tết là đào, quất, cúc. Nhiều người cầu kỳ còn lên tận vùng đất trồng hoa,
cây cảnh để chọn cho mình một cây đào, cây quất thế ưng ý.
Không khí Tết rõ nhất là ngày 23 tháng
Chạp – ngày Táo quân lên chầu trời. Nhà nhà đều sửa lễ tiễn ông Táo lên trời để
báo cáo tình hình gia chủ trong năm với Ngọc Hoàng. Việc thờ phụng Táo quân vốn
là vang bóng của tục thờ lửa xưa kia.
Sáng 30 Tết, mọi nhà đều trang hoàng nhà
cửa khác hẳn ngày thường, bàn thờ được lau chùi cẩn thận, mọi thứ bày biện chu
đáo, mâm ngũ quả đặt ở chính giữa với những quả chuối tiêu xanh dài như những
ngón tay vươn ra ôm lấy quả phật thủ vàng ươm, thêm vào đó là cam, lê, nho,
táo, quất, hồng…
Chiều 30 nhà nào cũng làm mâm cơm cũng
tất niên để tiễn năm cũ và đón năm mới.
Sau cỗ tất niên, người già hay thanh
niên nam nữ thường rủ nhau đi chơi Giao thừa.
Giao thừa chính là thời điểm thiêng
liêng nhất của một năm, đúng vào lúc chuyển đổi từ mùa Đông băng giá sang mùa
Xuân ấm áp đâm chồi nảy lộc. Thay cho tiếng pháo nổ thủa xa xưa, ngày này là
hàng loạt pháo hoa nở rộ trên bầu trời, chào đón một năm mới đến.
Từ xa xưa đến bây giờ, người Việt quan
niệm rằng: mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy. Vì vậy, ngay từ
sáng sớm ngày mồng một, người ta kéo nhau về nhà cha mẹ hai bên của mình để
chúc Tết và thắp nhang cho tổ tiên.
Sau đó mới đi thăm hỏi, chúc Tết những
người cao niên, những bậc trưởng thượng trong dòng họ. Đây là dịp mọi người
được trò chuyện, tâm sự cùng nhau về việc làm ăn,
chuyện gia đình… trong suốt một năm qua. Sau khi được con cháu chúc mừng năm
mới, ông bà, cha mẹ thường trao cho những bao lì xì màu đỏ, bên trong có vài
đồng tiền lẻ còn mới gọi là tiền mừng tuổi lấy may với ý nghĩa phát vốn, phát
lộc, phát tài cho con cháu kèm theo những lời chúc có nội dung và ý nghĩa rất
cụ thể, thiết thực.
Tương
truyền về tục tặng bao lì xì đỏ cũng khá là thú vị: “ngày xưa có một con yêu
quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa khiến trẻ con giật mình khóc thét lên.
Hôm sau đứa trẻ nhức đầu, sốt cao, làm cho ba mẹ không dám ngủ phải thức canh
phòng yêu quái. Có một cặp vợ chồng nọ mới sinh được một bé trai kháu khỉnh.
Tết năm đó, có 8 vị tiên dạo qua, biết trước cậu bé sẽ gặp nạn liền biến thành
8 đồng tiền ngày đêm túc trực bên cậu bé. Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng
lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại và đặt lên gối con rồi ngủ. Nửa đêm,
yêu quái xuất hiện định làm hại đứa trẻ thì từ chiếc gối lóe lên những tia vàng
sáng rực, khiến yêu quái khiếp vía bỏ chạy”.
Xưa còn có lệ cho tiền vào bao lì xì đỏ theo
số lẻ ngụ ý tiền này sẽ phát triển sinh sôi nảy nở thêm nhiều hơn.
Mồng hai Tết là dịp để mọi người đi thăm
bà con dòng họ gắn kết tình cảm gia đình họ hàng. Lời chúc tết thường là sức
khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công, những
người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau tai qua nạn khỏi hay của đi thay
người nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng đến sự tốt lành
trong tương lai.
Tết cũng là dịp để mọi người đến thăm
bạn bè, hàng xóm láng giềng… trao nhau những lời chúc tốt lành đầu năm mới.
Sáng mồng ba Tết, người ta đến thăm
viếng các thầy, các cô, kính chúc sức khoẻ, tỏ lòng tôn kính, biết ơn công lao
dạy dỗ. Người thầy mà mọi người thường nghĩ đến đầu tiên là thầy dạy nghề, dạy
việc hoặc những người có đạo đức tiếng tăm, những người có ảnh hưởng lớn đến
tình cảm và cuộc đời của mình.
Đến chiều ngày mồng bốn hoặc mồng năm
Tết mỗi nhà sẽ làm một mâm cơm cúng tiễn đưa ông bà, …
Tết là đổi mới, nên trong những ngày Tết
người ta thường tiến hành những hành động mang tính biểu trưng, mở đầu cho mọi
việc trong năm mới tăng tiến, khá giả, tốt đẹp hơn năm cũ.
Bằng hành vi riêng lẻ hay nghi thức tập
thể từng ngành, từng nghề, từng giới cũng mở đầu một hành động chu đáo và tốt
đẹp, hoàn chỉnh và tốt đẹp:
Lễ Khai canh cho nhà nông (xưa trong thời
phong kiến cũng có riêng một khoảnh đất trong kinh thành để cho nhà Vua làm Lễ
tịch điền;
Lễ Khai bút viết câu văn, câu thơ đầu
tiên của thầy đồ nho;
Lễ Khai sơn – mở cửa rừng của người làm
rừng;
Dân chài lưới có Lễ Cầu ngư – đi kiếm mẻ
cá đầu tiên lấy may;
Tại tỉnh Nam Định có Lễ Khai ấn - một
tập tục văn hóa từ thế kỷ thứ XIII của triều đại nhà Trần để thực hiện nghi lễ
tế cúng trời đất, tế cúng tiên tổ, cầu cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận
gió hòa … Trong những năm gần đây, lễ Khai ấn đầu xuân tại đền Trần – phường
Lộc Vượng – thành phố Nam Định đã trở thành một đêm hội rất đông vui. Nó không
còn bó hẹp trong phạm vi làng Tức Mặc và nhân dân thành phố Nam Định mà du
khách ở mọi miền đất nước đổ về đây rất đông. Nhiều du khách đến với lễ Khai ấn
đầu năm không những để tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn coi đây như
một dịp du xuân độc đáo …
Tất cả những Lễ đó gọi là Lễ Khai xuân,
là lễ mở đầu hoạt động để cầu may mắn cho cả năm.

Đền Trần – phường Lộc Vượng – Tp Nam Định
Tết khơi gợi dậy những “niềm nhớ”, những
kỷ niệm ăm ắp đã hằn sâu trong tiềm thức. Vị tết của niềm ngưỡng vọng và tri ân
dành gửi đến người đã khuất, như nhắc nhở cháu con về cội nguồn tiên tổ. Vị tết
của sự linh thiêng và nghiêm cẩn trong thời khắc giao thừa “tống cựu nghênh tân”.
Vị tết ấm áp và hạnh phúc trong mâm cơm tất niên chiều 30, cùng chén rượu nồng
hương nếp và những dự định tốt đẹp cho năm mới đủ đầy, an lạc. Vị tết của niềm
vui và sum họp, khi chờ đón những đứa con xa quê trở về đoàn tụ. Vị tết rạo rực
và tươi mới hằn trên câu đối đỏ, mâm ngũ quả, cành đào phai... Vị tết xốn xang
và chộn rộn với lễ lạt nơi sân đình và câu hát huê tình đậm phong vị quê kiểng
mộc mạc. Vị tết của niềm hân hoan và háo hức trẻ nhỏ với quà bánh, xống áo và
tiền mừng tuổi...
Với hệ thống lễ nghi vô cùng phong phú
và giàu tính nhân văn, tết Nguyên Đán là tết cổ truyền của Việt Nam thể hiện
bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tết Nguyên Đán là một phong tục đẹp mà
nhân dân ta còn duy trì tới ngày nay. Thế nhưng với quá trình giao lưu hội nhập
quốc tế về văn hóa và mở cửa nền kinh tế ra thế giới hiện nay cách ăn Tết của
người Việt Nam phần nào đã thay đổi. Một số tập tục trong ngày Tết xưa không
còn phù hợp với xã hội hiện đại đã dần bị loại bỏ. Ngày nay người dân ăn Tết đã
có phần đổi khác hơn so với trước kia, dường như dân ta ăn Tết đã đơn giản đi
nhiều, sự thay đổi đó phần nào được thể hiện qua cách đón tết và trong việc sắm
tết.
Tuy nhiên, ăn Tết đơn giản vẫn có cái
hay riêng miễn sao chúng ta vẫn giữ được hồn quê Tết Việt, Tết vẫn còn nhiều
phong tục tốt đẹp mang đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để
Tết Nguyên Đán mãi là Tết cổ truyền, là nét văn hóa đặc sắc của dân
tộc Việt Nam, vẫn là dịp để gia đình sum vầy đoàn viên, là dịp để mọi người
được nghỉ ngơi, thư giãn, dẹp bỏ những bộn bề, lo toan buồn phiền của năm cũ,
dịp để mọi người thắt chặt tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình làng
nghĩa xóm… khi dành thời gian đi thăm hỏi, ngồi lại bên nhau hàn huyên ôn lại
những gì đã qua và dự tính những việc sẽ làm trong năm mới, chúc nhau những câu
chúc tốt lành, động viên chia sẻ an ủi với những điều không may đã qua và cùng
nhau tin tưởng hướng về những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai, hướng đến
một năm mới “An khang thịnh vượng – Vạn sự như ý”.
Để rồi, tết cổ truyền với ý nghĩa to lớn
và những giá trị không thể thay thế của nó, đã và sẽ luôn là phần quan trọng
trong tinh hoa văn hóa dân tộc. Đồng thời, được cả dân tộc đề cao, trân trọng,
gìn giữ, vun đắp và trao truyền.
Sưu
tầm, biên tập
Vũ
Thị Tuyết Mai
BQL
khu DTLSVH Đền Trần – Chùa Tháp TP Nam Định
Tài liệu tham khảo:
1. Tìm Hiểu Phong Tục Tết Cổ Truyền Trong
Văn Hóa Người Việt – NXB Đồng Nai