SỐ NHÀ 280 PHỐ MINH KHAI - TP NAM ĐỊNH NƠI LƯU GIỮ NHIỀU KÝ ỨC CỦA NHÀ THƠ TÚ XƯƠNG

Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích,Tử Thịnh. Tên bố mẹ đặt cho là Trần Duy Uyên sinh ngày 10 tháng 8 năm Canh Ngọ ( tức ngày 5-9-1870) tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là Phố Minh Khai, tên cũ là phố Hàng Nâu).

Trần Tế Xương (1870 – 1907)

Tú Xương đi học rất sớm và rất thông minh, giỏi thơ phú. Năm Ất Tỵ (1885) mới 15 tuổi Tú Xương đã bắt đầu vác lều chõng đi thi nhưng bị hỏng, tiếp theo 2 khoa Mậu Tý (1888) và Tân Mão (1891) vẫn hỏng thi. Đến khoa Giáp Ngọ (1894), 24 tuổi mới đỗ được chút Tú tài, sau đó liên tiếp 4 khoa thi hương đều hỏng thi. Như vậy cuộc đời cụ Tú gắn liền với khoa bảng nhưng lại không gặp may mắn với con đường này. Dù đã 8 lần lều chõng đi thi nhưng ông chỉ đỗ Tú tài.

Khi đi thi ông mang tên là Trần Tế Xương, do thi mãi không đỗ cử nhân, đến khoa Bính Ngọ (1906) ông đổi là Trần Cao Xương. Dân gian gọi ông với cái tên thân thiện là Tú Xương. Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần là bởi vào đời Nhà Trần lập công lớn được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Ông nội Trần Tế Xương tên là Trần Duy Năng. Thân sinh của Trần Tế Xương là cụ Trần Duy Nhuận cũng là một nhà nho, làm tự thừa ở dinh đốc học Nam Định, sinh được 9 người con (6 trai, 3 gái) Tú Xương là con trưởng

Năm 16 tuổi ông Tú kết duyên cùng bà Phạm Thị Mẫn người làng Lương Đường - Hải Dương về vùng đất Dương Xá- Vị Hoàng Nam Định sinh sống từ nhiều đời trước. Bà sinh cho ông được 8 người con, trong đó có 6 trai và 2 gái. Bà Tú là người phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam xưa; tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình. Công việc kiếm sống cho gia đình chủ yếu một tay bà gánh vác. Vì vậy các tác phẩm của Tú Xương đều có hình ảnh của người vợ chịu thương chịu khó ấy, như trong bài Thương vợ, ông viết:

" Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công..."

Tú Xương có một sự nghiệp thi ca đầy danh tiếng. Ông là một trong những tác giả Hán Nôm tiêu biểu của văn học Việt Nam với những  tác phẩm nổi tiếng như: Vị Thành giai cú tập biên, Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luận giải âm, Thiên Nam Hương Sơn Quan Âm Phật kinh tân dịch...

Sự nghiệp văn chương của ông bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với các thể loại cổ điển như: Thơ Đường luật, Thất ngôn Bát cú, Tứ tuyệt, văn tế, câu đối…Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.

Tú Xương là người có đầy đủ nhân cách và bản lĩnh của một trí thức Việt Nam chân chính thời phong kiến nửa thuộc địa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thơ ông còn khắc họa được “nhân vật thời đại” đó là bản thân Tú Xương- một con người có tâm hồn cao đẹp và lãng mạn, phẩm cách tài năng xuất chúng nhưng chưa làm được gì đáng kể cho đời. Những sáng tác của ông là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực và trữ tình đã tạo nên phong cách thơ Tú Xương. Nhà thơ Xuân Diệu xếp ông là một trong 5 nhà thơ lớn của dân tộc sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm. Cho nên cái tên còn lại trong sự yêu mến của nhân dân trong lịch sử văn học là Tú Xương.

…“Ông nghè, ông Thám vô mây khói

Còn lại văn chương một Tú tài”.

(Xuân Diệu)

Ngôi nhà số 280 phố Minh Khai hiện nay, trước đây là phố Hàng Nâu, nơi gia đình nhà thơ Trần Tế Xương sống từ năm 1900 đến năm 1907

Ngôi nhà vẫn giữ được nét truyền thống

Nơi Tú Xương sinh ra và lớn lên từ năm 1870 – 1899 tại số nhà 247 phố phố Hàng Nâu. Do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên nhà thơ đã bán đi. Ngôi nhà 280 phố Minh Khai hiện nay được bố mẹ vợ nhà thơ xây cất vào năm 1875, sau các cụ để lại cho gia đình ông. Trong khoảng thời gian sinh sống tại căn nhà này từ năm 1900 đến năm 1907 ông đã sáng tác và để lại nhiều tác phẩm thơ văn. Di sản văn chương bất hủ đó đã đưa Tú Xương trở thành nhà thơ trào phúng bậc thầy trong nền văn học Việt Nam.

Sau năm 1954 được sự đồng ý của con cháu nhà thơ, gia đình ông Trần Ngọc Thành đã đến ở và trông coi ngôi nhà. Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1965, máy bay Mỹ đánh vào sở dầu rồi quay lại đánh trận địa pháo bờ hồ, bom lạc vào nhà cụ Tú khu công trình phụ bị phá nát, chỉ còn nhà chính vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống, bộ khung bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam.

Năm 2014 gia đình ông Trần Ngọc Thành đã bàn giao ngôi nhà 280 Minh Khai cho UBND thành phố Nam Định. Hiện nay, Di tích thuộc sự quản lý của Ban quản lý khu tích LSVH đền Trần, chùa Tháp. Những năm qua Di tích luôn được gìn giữ và phát huy giá trị, ngôi nhà trở thành Nhà Lưu Niệm nhà thơ Trần Tế Xương, nơi đây luôn có các đoàn khách tham quan, tưởng nhớ.       

Kiến trúc ngôi nhà được làm theo kiểu hình ống, chiều rộng hơn 3m, chiều dài 6m. Nhà có 2 tầng mái và mái ô văng, hiên dưới đều lợp bằng ngói mũi hài. Gọi là hai tầng, nhưng thực ra là gác trên và nhà dưới để tiện cho bố con ông Tú có chỗ cao ráo, yên tĩnh học hành đọc sách làm thơ. Bộ khung bằng gỗ của ngôi nhà được làm theo kiểu đòn tay gác kèo kỷ, quá giang kề tường. Tầng trên, 2 phía ốp bức bàn, cánh cửa ván trơn xẻ mỏng. Dưới nhà có 2 chùm cửa quay, mỗi chùm 2 cánh đặt trên bạo gỗ có then cài nay đã được thay bằng 2 bộ cửa gỗ lim.

Sân trước, sân sau và nền nhà lát gạch bát tràng (nay nền nhà và sân trước đã thay bằng gạch hoa). Do quá trình bồi lấp tôn tạo nền nhà cũ đã chìm sâu hơn một mét cùng với thời gian hơn trăm năm nhưng ngôi nhà vẫn được bảo tồn nguyên trạng phong cách kiến trúc cổ truyền.

Ngoài di tích Nhà lưu niệm số 280 Minh Khai thì mộ cụ Tú Xương nằm tại công viên Vị Xuyên cũng là địa điểm được nhiều người biết đến.

Mộ cụ Tú Xương tại công viên Vị Xuyên

Ngày 30 tháng 1 năm 2018 ngôi nhà và mộ nhà thơ Tú Xương được xếp hạng Di tích cấp tỉnh, theo Quyết định số 230/QĐ-UBND.

Du khách về Thành Nam sẽ có điều kiện đi thăm nhiều địa danh gợi lại tên tuổi nhà thơ như : Trường Tiểu học Trần Tế Xương, phường Vị Hoàng, công viên Vị Xuyên, khách sạn Vị Hoàng, nhà 247 phố Minh Khai nơi ông cất tiếng khóc chào đời nay vẫn còn dấu tích. Đặc biệt là ngôi nhà 280 phố Minh Khai lúc tại thế nhà thơ đã để lại sự nghiệp văn chương bất hủ.

Di tích 280 Minh Khai là niềm tự hào của quê hương Nam Định, địa điểm để du khách thăm quan, những người yêu văn học, thi ca tìm đến để tưởng nhớ và đàm đạo thơ Tú Xương ./

   Sưu tầm và biên soạn

TRẦN THỊ THỦY

   BQL Khu Di tích LS- VH Đền Trần , Chùa Tháp-TP. Nam Định


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn