Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ trên quê hương Nam Định

Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ tọa lạc tại thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, thành phố Nam Định, đây là quê hương, nơi sinh sống của đồng chí trong suốt thời kỳ niên thiếu.

Khu tưởng niệm của đồng chí Lê Đức Thọ, được khởi công xây dựng năm 2011 và khánh thành đưa vào sử dụng năm 2014 nhân dịp kỷ niệm 103 năm ngày sinh đồng chí (10/10/1911-10/10/2014).

Đồng chí Lê Đức Thọ, tên khai sinh là Phan Đình Khải, quê quán xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định. Thân phụ đồng chí là cụ Phan Đình Quế (1882-1928), sinh thời là một người hay chữ, được dân làng kính trọng và được bầu làm Hương trưởng. Thân mẫu đồng chí là cụ Đinh Thị Hoàng (1882-1956). Hai cụ sinh hạ được 8 người con, 5 người trai và 3 người gái, đồng chí là con thứ ba trong gia đình.

Đồng chí sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Với truyền thống gia đình nho giáo, hiếu học đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, rèn luyện, phấn đấu trở thành người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà tổ chức và lãnh đạo tài năng của Đảng. Thân thế, sự nghiệp và những cống hiến của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam đã làm vẻ vang cho quê hương, đất nước.

Đồng chí Lê Đức Thọ thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta. Năm 17 tuổi, đồng chí đã đứng trong đội ngũ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tháng 10 năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Ngày 7/11/1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn dã man và kết án tù khổ sai chung thân. Đồng chí kiên quyết đấu tranh, chống án, buộc Toà thượng thẩm thực dân phải giảm mức án của đồng chí xuống 10 năm khổ sai.

Năm 1931, đồng chí bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Tại địa ngục trần gian, khi mới 20 tuổi, đồng chí được tín nhiệm cử vào Ban thường vụ chi uỷ Nhà tù và Bí thư chi bộ. Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và phong trào Bình dân ở Pháp, thực dân ở Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Ra tù, trở về Nam Định, đồng chí tiếp tục bắt liên lạc với Đảng và xây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng ở Nam Định.

Năm 1939, biết rõ đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phong trào cách mạng ở Nam Định, thực dân Pháp cho mật thám theo dõi, khám xét, bắt đồng chí và khép tội "phần tử nguy hiểm cho an ninh", kết án 5 năm tù đưa đi giam giữ ở Hà Nội, Sơn La và Hoà Bình. Trong lao tù độc ác của bọn thực dân, bị địch tra tấn dã man, đồng chí vẫn luôn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, không khai báo hoạt động của Đảng, thường xuyên tổ chức học tập chính trị, lý luận cách mạng, động viên bạn tù giữ vững tinh thần chiến đấu.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật, đồng chí đã ba lần bị địch bắt, hai lần bị kết án, tổng cộng 15 năm tù. Những năm lưu đày, khổ sai ở Côn Đảo, Hà Nội, Sơn La, Hoà Bình, đồng chí luôn tôi luyện ý chí cách mạng, thể hiện tinh thần bất khuất và lòng kiên trung với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Năm 1944, ra tù, đồng chí được Đảng đưa về hoạt động ở an toàn khu, phụ trách công tác bảo đảm bí mật.

Tháng 8 năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1948, đồng chí được cử thay mặt Trung ương Đảng vào miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Được giao trọng trách Phó Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Lê Đức Thọ đã cùng Thường vụ Xứ uỷ chăm lo xây dựng kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ uỷ, củng cố và thành lập mới nhiều ban chuyên môn, như: Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Ban Công vận, Nông vận, Thanh vận, Tôn giáo, Hoa vận, Khơ me vận...; cử nhiều cán bộ của Xứ uỷ trực tiếp xuống các khu, tỉnh để nắm tình hình và chỉ đạo phong trào; đảm bảo giữ mối liên hệ trực tiếp và thông suốt với Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ. Năm 1958, đồng chí từ chiến trường miền Nam ra Bắc, được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Năm 1967, đồng chí được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, từ tháng 5 năm 1968 đồng chí làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí rất quan tâm đến công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, nghiên cứu lịch sử Đảng làm cơ sở để xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng. Được giao làm Trưởng Tiểu ban nhân sự từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng, đồng chí đã tích cực tham mưu giúp Bộ Chính trị chuẩn bị tốt công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương sáng về lòng trung thành tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, lạc quan, kiên cường, bất khuất, đức tính cần kiệm, liêm chính và tình thương đối với đồng đội, đồng chí.

Với những đóng góp to lớn, đồng chí Lê Đức Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng; Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười; Nhà nước Cămpuchia tặng Huân chương Ăngco. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng tháng 12 năm 1986, đồng chí Lê Đức Thọ được Đại hội long trọng tuyên dương công trạng. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là tấm gương sáng về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân quê hương Nam Định.

          Nhằm tôn vinh và khẳng định công lao, những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước và quê hương Nam Định, thực hiện Thông báo số 29-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 20/5/2011 và Kế hoạch số 37-KH/BTGTW ngày 20/6/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã khởi công xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ trên quê hương Nam Định. Đây là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tôn vinh, đồng thời bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn của Đảng bộ và nhân dân Nam Định đối với một người con ưu tú của đất nước và quê hương; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ được xây dựng trong khuôn viên có diện tích gần 5000m2 bao gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống với mặt bằng kiểu chữ “Nhị”, bộ khung bằng gỗ lim. Tòa Tiền đường có kích thước dài 15,4m, rộng 8,57m. Đây là nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu, sách báo, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ.

 

Nối liền với tòa tiền đường là hậu cung với kích thước dài 9,9m, rộng 6,36m, được lắp dựng bằng gỗ lim, mái ngói nam, đây là nơi bài trí nhang án, bài vị phụng thờ đồng chí Lê Đức Thọ.

Trong khuôn viên Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ còn có hạng mục Từ đường chi Ất họ Phan, nơi thờ phụng các bậc thủy tổ, thân phụ, thân mẫu đồng chí. Công trình xây dựng bằng hệ thống cột, khung vì gỗ lim, mái lợp ngói nam mang phong cách truyền thống dân tộc.

Năm 2018, Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ, thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, thành phố Nam Định đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cấp bằng và xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa tại Quyết định số 230/QĐ-UBND ngày 30/01/2018.

Tài liệu tham khảo:

- Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch số 4-2011

- Báo Nam Định số Cuối tuần phát hành ngày 03/10/2014

 

            Sưu tầm và biên tập         

 Trần Kim Phượng

    Ban QL Khu di tích đền Trần, chùa Tháp, Tp Nam Định



Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn