HỘI NGHỊ PARIS - CUỘC ĐẤU TRÍ CAM GO VÀ CUỘC ĐÀM PHÁN LỊCH SỬ

Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao của Việt Nam, chưa có cuộc đàm phán nào kéo dài như Hội nghị Paris (4 năm, 8 tháng, 14 ngày). Từ ngày 15 – 3 - 1968 đến 27- 01 -1973, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng, ta đã buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, mở đường đi đến hòa bình. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí Thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương (10-10-1911 – 10-10-2021), người viết xin mời quý độc giả cùng nhìn lại chặng đường gần 5 năm,  từ đàm phán đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973.

Nửa đầu năm 1968, khi đang có mặt ở chiến trường miền Nam với trọng trách là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ được Bác Hồ và Trung ương gọi gấp về Hà Nội, để chuẩn bị sang Paris đảm đương sứ mệnh Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp đàm phán với đại diện Hoa Kỳ, về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 

Bút tích của Bác Hồ về việc cử đồng chí Lê Đức Thọ đi dự Hội nghị Paris về Việt Nam

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Hội nghị Paris là thất bại của Mỹ trên chiến trường. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của ta đã giáng một đòn nặng nề vào cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ, không chỉ làm chuyển biến thế trận, đảo lộn chiến lược mà còn làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù. Mỹ hiểu rằng không thể thắng ta bằng chiến tranh. Nếu muốn rút ra khỏi chiến tranh, không có cách nào khác là phải thông qua thương lượng. Vì vậy mà đã phải chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Còn ta, chấp nhận đàm phán là để mở ra một mặt trận mới về ngoại giao. Ta hiểu rõ, tại bàn đàm phán ta không thể giành lấy cái mà trên chiến trường ta không giành được. Kết quả đàm phán tùy thuộc trước hết vào so sánh lực lượng trên chiến trường. Tài trí ngoại giao không thể thay thực lực. Mặt trận ngoại giao không phải là mặt trận quyết định nhất nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở chỗ phối hợp chặt chẽ với hai mặt trận quân sự và chính trị tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.

Bác Hồ gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại Phủ Chủ Tịch (năm 1968)

trước khi đồng chí lên đường đi Paris

Đầu năm 1968, sau khi Mỹ và Việt Nam đồng ý ngồi vào bàn thương lượng thì vấn đề phải giải quyết đầu tiên là họp ở đâu? Tất nhiên không phải là Washington, Hà Nội hay Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh). 08 địa điểm được Mỹ, Việt Nam và vài nước khác đưa ra, nhưng bên này đồng ý thì bên kia phản đối. Cuối cùng Việt Nam đề nghị hội nghị họp ở Paris và Mỹ đã chấp nhận.

Sở dĩ Paris là lựa chọn tuyệt vời cho phía Việt Nam bởi nhiều lý do, nhưng tựu trung lại, thủ đô nước Pháp thời điểm đó hội tụ đủ hai yếu tố: “địa lợi và nhân hòa”. Lúc đó tại Pháp có phong trào gồm nhiều giai tầng xã hội ủng hộ hòa bình cho Việt Nam rất mạnh. Ở đây còn có cộng đồng người Việt đông đảo, tuy định cư đã lâu nhưng rất gắn bó với đất nước. Rất nhiều người Việt Nam tham gia các tổ chức, như: Hội Trí thức yêu nước, Hội Sinh viên yêu nước, Hội Người Việt yêu nước…. và các hội đó chính là “vườn ươm” lực lượng hậu thuẫn cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cuộc đàm phán bao gồm hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1: là đàm phán hai bên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Mỹ, kéo dài trong sáu tháng từ 13/05 đến 31/10/1968.

- Giai đoạn 2: là đàm phán bốn bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, kéo dài bốn năm, từ tháng 01/1969 đến tháng 01/1973.

Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ bắt đầu tại Paris và gần 6 tháng sau đi đến thỏa thuận về việc Mỹ chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ ngày 31-10-1968, đồng thời thỏa thuận về việc triệu tập tại Paris một hội nghị để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm các bên: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Mỹ trong Hội nghị Paris, ngày 13/5/1968.

Ngày 25-1-1969, Hội nghị Paris về Việt Nam họp phiên đầu tiên, mở ra giai đoạn "vừa đánh, vừa đàm".

Cuộc gặp giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy và trưởng đoàn Mỹ Hariman tại Paris ngày 17/01/1969

Cả ta và đối phương đều đến Hội nghị với những mục đích và đòi hỏi đối lập nhau. Ta đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Mỹ cũng nói muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng lại đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn. Có nghĩa là Mỹ tiếp tục thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, điều Mỹ không làm được trên chiến trường.

Chính vì những đòi hỏi khác nhau đó mà đàm phán vừa mở ra mấy tháng đã dẫm chân tại chỗ. Để khai thông, ngày 8-5-1969, Đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đưa ra giải pháp toàn bộ 10 điểm về việc giải quyết vấn đề Việt Nam. Đáp lại, ngày 14-5-1969, Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn, qua diễn văn đọc trên truyền hình Mỹ, đã đưa ra 08 điểm của giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Giải pháp của hai bên vẫn đối chọi nhau như nước với lửa.

Ngày 6-6-1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Ngày 8-6, Tổng thống Ních-xơn công bố chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh", chủ trương tìm một con đường khác chứ không phải thông qua đàm phán để rút được quân Mỹ ra khỏi chiến tranh mà vẫn giữ được chính quyền và quân đội Sài Gòn. Thực tiễn cho thấy, những gì Mỹ không làm được thời kỳ "Mỹ hóa" cao độ cuộc chiến tranh thì cũng không làm được trong thời kỳ "Việt Nam hóa chiến tranh". Những năm 1969 - 1972 là những năm giằng co quyết liệt giữa hai bên trên chiến trường cũng như tại bàn đàm phán. Đàm phán thực chất chỉ diễn ra sau khi Mỹ đã cảm nhận được thất bại của chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh", nhất là sau thắng lợi của ta ở đường 9 - Nam Lào và trong chiến dịch Đông Xuân 1971 - 1972, giải phóng thêm được nhiều vùng rộng lớn.

Từ cuối năm 1971 đến những tháng cuối năm 1972, cả ta và Mỹ đều đưa ra những đề nghị mới, thông qua đàm phán công khai và đàm phán riêng, cuối cùng đi đến thỏa thuận về một văn bản hiệp định.

Mặc dù ngoan cố đến phút cuối cùng, ngày 27-1-1973, Mỹ đã buộc phải ký "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam". Hiệp định Paris được sự công nhận và bảo đảm của một hội nghị quốc tế về Việt Nam, thông qua Định ước quốc tế, ký ngày 2-3-1973 cũng tại Paris.

Đồng chí Lê Đức Thọ ký Hiệp định Paris

Hiệp định Paris về Việt Nam có 9 chương với 23 điều khoản. Trong đó, những điều mục quan trọng nhất, gồm: Điều 1 (Chương I): "Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận". Điều 3 (Chương II) mục b: "Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình". Điều 4 (Chương II): "Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam". Điều 5 (Chương II): "Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi ký hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, các loại vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác".

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Phụ tá Tổng thống Hoa Kỳ Kissinger trao tặng bút cho nhau sau khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam, tháng 01 năm 1973

Thắng lợi của hội nghị và Hiệp định Paris bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố được cho là quan trọng nhất. Một là, có sự lãnh đạo của Đảng. Sự đúng đắn và sáng suốt thể hiện ở đường lối đàm phán, chiến lược đàm phán, đưa ra các quyết sách đúng thời điểm. Hai là, sự hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân, của chiến sĩ hai miền Nam-Bắc, đưa đến những thắng lợi quyết định trên chiến trường. Ba là, bản lĩnh và trí tuệ của những người làm đối ngoại, đặc biệt là những thành viên của đoàn đàm phán Paris.

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào nỗ lực tạo nên bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, từng bước buộc Mỹ phải đi vào giải pháp, chấm dứt ném bom miền bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền nam, hoàn thành mục tiêu chiến lược "đánh cho Mỹ cút". Buộc Mỹ phải rút hết trong khi ta duy trì được hoàn toàn lực lượng, Hiệp định mở ra một cục diện mới, so sánh lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về ta để toàn quân, toàn dân ta tiến lên "đánh cho ngụy nhào". Hiệp định Paris còn góp phần ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ khi toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi hoàn toàn với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giang sơn thu về một mối.

Ðối với nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta và thắng lợi của Hội nghị Paris một lần nữa khẳng định chân lý: một dân tộc quyết hy sinh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định sẽ giành được tự do độc lập như Bác Hồ kính yêu đã long trọng công bố trong Tuyên ngôn Ðộc lập. Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã minh chứng hùng hồn cho chân lý đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh của mình. Cũng chính vì vậy, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập tự do, hòa bình và công lý.

Sưu tầm, biên tập

Vũ Thị Tuyết Mai

BQL khu DTLSVH Đền Trần – Chùa Tháp TP Nam Định

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ảnh tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III;

2. Ảnh tư liệu của Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ - thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, thành phố Nam Định.


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn