Giới thiệu một số hiện vật đất nung tại “NHÀ TRƯNG BÀY” Khu di tích Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định

Ngày nay, du khách đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần, chùa Tháp, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định sau khi đã thực hành các nghi lễ tâm linh tưởng niệm công đức của các bậc Thủy tổ, các vị Hoàng đế nhà Trần, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, các văn quan- võ tướng vương triều Trần, du khách còn dành thời gian tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của vương triều Trần nói chung và quê hương Thiên Trường-Tức Mặc nói riêng trong tiến trình lịch sử Dân tộc.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Trần, Chùa Tháp đã kế thừa, chỉnh lý và bổ sung một số tài liệu, hiện vật vào Nhà trưng bày “Lịch sử thời Trần và ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông” để giới thiệu với du khách mỗi khi về tham quan Khu di tích. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số hiện vật trong sưu tập đất nung tại Nhà trưng bày để nhằm cung cấp thêm cho du khách một số thông tin về tên gọi, niên đại, lịch sử kiến trúc của các hiện vật. Thông qua những hiện vật đó, góp phần minh chứng, khẳng định vùng đất Thiên Trường-Tức Mặc là quê hương, đất phát tích, đất thang mộc của vương triều Trần, được xem như là kinh đô thứ hai của Đại Việt sau kinh thành Thăng Long vào thế kỷ XIII-XIV.

Bộ sưu tập đất nung tại Nhà trưng bày “Lịch sử thời Trần và ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông” khá phong phú, đa dạng với những hiện vật như: đầu rồng đất nung, gốm men ngọc, bao nung, chồng bát dính, bát có chữ Hán “Thiên Trường phủ chế”, gạch xây dựng, gạch xây tháp Phổ Minh, gạch lát nền, đường cống thoát nước, các loại ngói mũi hài…Đây là một phần tài liệu, hiện vật trong số hàng ngàn những tài liệu, hiện vật được phát hiện, khai quật tại Khu di tích qua các giai đoạn lịch sử. Đây là nguồn sử liệu quan trọng cung cấp những kiến thức cần thiết, minh chứng xác thực để nghiên cứu về Hành cung Tức Mặc-Thiên Trường trong lịch sử.

Căn cứ vào các yếu tố về số lượng, chất liệu, loại hình chúng tôi chia các hiện vật trên thành các nhóm như: đồ gốm sành sứ, đồ đất nung.

Về đồ gốm sứ được chia thành các loại như: Gốm men ngọc, gốm men vàng, gốm men nâu (hoa nâu).

Tại Nhà trưng bày, chúng tôi muốn giới thiệu về hiện vật gốm men ngọc có ghi dòng chữ Hán “Thiên Trường phủ chế” có nghĩa được chế tạo tại phủ Thiên Trường.

Đây là hiện vật gốm men ngọc được khai quật tại khu vực di tích đền Trần với nhiều mảnh bát, đĩa men ngọc với đặc điểm để mộc không tráng men, trên thân có viết dọc hàng chữ Hán màu nâu “Thiên Trường phủ chế” (chế tạo tại phủ Thiên Trường). Những hiện vật gốm men ngọc này, được chế tác với phong cách chắc khỏe, cốt gốm dầy được trang trí hoa văn theo kiểu khắc vạch. Theo các nhà nghiên cứu đây là đồ gốm được chế tạo tại các lò riêng trong khu vực Hành cung Tức Mặc-Thiên Trường để phục vụ cho tầng lớp quan lại, hoàng tộc nhà Trần. Dòng chữ Hán “Thiên Trường phủ chế” khắc trên gốm men ngọc đã nêu rõ tên địa danh Thiên Trường do vua Trần Thánh Tông cho đổi từ hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường vào năm 1262, năm mà nhà Trần cho xây dựng cung Trùng Quang giành cho các vua đã nhường ngôi cho con lên làm Thái thượng hoàng về ngự. Nhìn chung các gốm men ngọc tại đây được sản xuất với trình độ cao, là sản phẩm cao cấp phục vụ sinh hoạt cho tầng lớp hoàng tộc nhà Trần.

Bên cạnh các hiện vật gốm men ngọc có khắc chữ Hán “Thiên trường phủ chế”, tại đây còn trưng bày nhiều hiện vật gốm men ngọc là “chồng bát dính”, trang trí hoa văn đơn giản, men mỏng, không có độ bóng. Đây là những hiện vật gia dụng phục vụ rộng rãi cho các tầng lớp. Đối với các hiện vật này khi sản xuất thường có đặc điểm nhận biết là có dấu chấm kê hoặc dính men nham nhở. Là hiện vật khi được đưa vào lò nung, người ta thường xếp chồng lên nhau. Những hiện vật này được các nhà khảo cổ phát hiện ở các di tích liên quan đến nhà Trần như tại di tích đền Trần, chùa Tháp, bãi Hạ Lan (phường Lộc Vượng); ở khu vực di tích đình, miếu Cao Đài (xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc), thái ấp của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Đặc biệt ở khu vực Cồn Chè (xã Mỹ Thịnh) đã phát hiện hàng loạt những sản phẩm gốm men ngọc là “chồng bát dính”, chứng tỏ đây có thể là khu vực chế tác các sản phẩm gốm sứ của nhà Trần trong lịch sử.

Một loại gốm sứ được trưng bày tại đây là loại gốm men nâu. Đây là loại gốm rất phổ biến với đặc điểm nhận biết là màu nâu đậm hoặc nâu đen ở trong và ngoài lòng. Loại hiện vật này được in nổi hoa văn cúc dây nhiều lớp, hoa lá cách điệu chìm vào trong men. Loại gốm men nâu này có nhiều hiện vật như; âu, thạp, liễn được phát hiện tại khu vực di tích đền Trần.

Tiếp đến là các hiện vật bằng đất nung bao gồm các loại: gạch chữ “thọ”, gạch hoa vuông, gạch hoa chanh, gạch hoa cúc, gạch ghi dòng chữ “Vĩnh Ninh trường”, gạch xây tháp Phổ Minh…

Gạch chữ “thọ” với kích thước lớn hình vuông, là hiện vật độc đáo được tìm thấy tại khu di tích đền Trần. Giữa viên gạch là hình vuông, bên cạnh đắp nổi chữ “thọ” viền xung quanh là hình tròn nổi, bên ngoài là họa tiết cánh sen nổi bật ở bốn góc. Các nhà nghiên cứu về hiện vật này thường gọi tên là gạch “hình đồng tiền”, chữ “thọ”, qua trang trí đã thể hiện rõ quan niệm về vũ trụ luận “trời tròn, đất vuông” với mong muốn vương triều Trần tồn tại mãi mãi với trời đất. Đường gạch chữ hoa “thọ” lát phía trước đền Thiên Trường như là trục thần đạo dẫn du khách về bên trong đền Thiên Trường để tưởng nhớ công đức các vị thủy tổ và hoàng đế triều Trần mỗi khi về đây chiêm bái.

Gạch hoa cúc và gạch hoa chanh cũng là hiện vật khá phổ biến được tìm thấy tại khu di tích. Đặc biệt tại đây còn trưng bày một loại gạch xây tháp chùa Phổ Minh. Đây là loại gạch to bản, mặt ngoài chạm rồng uốn khúc, trên viên gạch có lỗ thủng. Những viên gạch xây tháp Phổ Minh còn được in dòng chữ Hán ở mép ngoài là “Hưng Long thập tam niên” niên hiệu vua Trần Anh Tông năm thứ 13 (1305).

Một hiện vật bằng đất nung rất độc đáo được tìm thấy tại chùa Phổ Minh là giếng nước được xếp lại bằng các bao nung. Ở đây, các bao nung có đường kính 28 cm, cao 24 cm với xương gốm thô dầy được xếp theo hình tròn tạo thành một chiếc giếng. Đáy giếng là các loại vại thấp thành, bên trong xếp vôi để lọc nước. Đây là loại vật liệu kiến trúc được tận dụng như một phát hiện, sáng kiến văn minh của cha ông ta thời Trần.

Về một số các loại ngói trưng bày tại đây có ngói mũ hài một lớp hoặc hai lớp được tráng men, hoặc không tráng men và ngói nóc trang trí hình lá đề bên trên trang trí nổi bật hình rồng bằng đất nung tiêu biểu cho phong cách của các con rồng thời Trần.

Thông qua một số hiện vật trưng bày trên, chúng ta có thể nêu lên một số nhận xét bước đầu:

Sự có mặt một khối lượng đồ sộ các hiện vật gốm sứ, đất nung với đủ các loại hình như: bát, đĩa, âu, thạp, liễn, các loại gạch xây dựng, đầu rồng, đầu phượng bằng đất nung, ngói mũi hài đã chứng tỏ mật độ dầy đặc, phong phú về các dấu tích vật chất có niên đại thời Trần ở ngay khu vực di tích quốc gia đặc biệt đền Trần, chùa Tháp.

Căn cứ vào các những hiện vật đó có thể khẳng định chúng được sản xuất, chế tác ngay tại những địa điểm thuộc Hành cung Thiên Trường trong lịch sử. Bằng chứng là những hiện vật bát, đĩa có dòng chữ Hán “Thiên Trường phủ chế” có nghĩa là chế tạo tại Phủ Thiên Trường, hoặc những chồng bát men nâu, men ngọc dính chặt vào nhau. Đây là những chồng bát đĩa được nung với nhiệt độ cao nên bị hỏng, thành phế phẩm. Cùng với đó là việc phát hiện ra hàng loạt các bao nung dùng để chứa các chồng bát, đĩa trước khi cho vào lò nung đã là minh chứng cho việc sản xuất từ các lò gốm nội địa ở khu vực Thiên Trường.

Qua các hiện vật bằng gạch nung, đầu rồng, ngói mũi hài, chân tảng đá cánh sen tại đền Trần, chùa Phổ Minh chúng ta có thể thấy được quy mô bề thế của các cung điện, dinh thự, lầu son gác tía của vùng đất được suy tôn như kinh đô thứ hai của Đại Việt sau kinh thành Thăng Long của vương triều Trần.

Các hiện vật tại Nhà trưng bày “Lịch sử thời Trần và ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông” còn thể hiện được một trình độ sản xuất cũng như trình độ thẩm mỹ đạt đến đỉnh cao của phong cách nghệ thuật thời Trần, một phong cách khỏe khoắn, hào hùng, phóng khoáng, biểu trưng cho một dòng họ với hào khí Đông A lừng lẫy trong lịch sử.

Ngoài ra, qua nghiên cứu một số hiện vật gốm sứ, đất nung được trưng bày tại đây chúng ta còn thấy được những nét độc đáo, riêng có của quê hương Thiên Trường. Đó là những viên gạch xây cỡ lớn có trang trí hoa văn hình hoa cúc, hoa chanh, cánh sen, đặc biệt là xuất hiện loại gạch chữ thọ, có sự kết hợp hài hòa các hoa văn cánh sen, hoa chanh, hình tròn, hình vuông lần đầu được phát hiện.

Nghiên cứu, giới thiệu một số hiện vật bằng đất nung tại Nhà trưng bày “Lịch sử thời Trần và ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông” trong Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần, chùa Tháp với mong muốn truyền tải những thông điệp của cha ông, góp phần khẳng định mảnh đất Thiên Trường - Tức Mặc là quê hương, đất phát tích của vương triều Trần trong tiến trình lịch sử dân tộc.

 Trần Kim Phượng

Ban QL Khu di tích đền Trần, chùa Tháp-  TP. Nam Định


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn