ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC THỌ VỚI QUÊ HƯƠNG NAM ĐỊNH

Đồng chí Lê Đức Thọ tên khai sinh là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước đấu tranh cách mạng trong một gia đình nho giáo có truyền thống hiếu học, yêu nước, nề nếp gia phong. Ông nội là cụ đồ nho Phan Đình Diễn, mở trường dạy học và bốc thuốc cứu người tại quê hương. Đặc biệt nổi tiếng là cụ Phan Đình Hòe (1876-1954) là bác ruột đồng chí đỗ Cử nhân khoa Canh Tý, niên hiệu Thành Thái thứ XII (1900) cụ làm quan trải bốn triều vua. Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại được triều đình bổ nhiệm các chức vụ: Tri huyện, Tri phủ, Tuần phủ, Tổng đốc Nam Định. Trong suốt thời gian làm quan cụ là người liêm khiết, nhân từ luôn chăm lo đến đời sống nhân dân. Thân phụ của đồng chí Phan Đình Khải là cụ Phan Đình Quế (1882-1928), sinh thời nổi tiếng là người hay chữ theo nghiệp khoa cử tuy không đỗ đạt nhưng vẫn là bậc danh nho được dân làng kính trọng bầu làm Hương trưởng. Vào năm Kỷ Dậu niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909) cụ theo anh trai là Phan Đình Hòe đánh giặc lập công được thưởng Cửu phẩm văn gia. Cụ Phan Đình Quế kết duyên cùng cụ Đinh Thị Hoàng sinh hạ được 8 người con (5 trai, 3 gái). Khi trưởng thành các con của ông bà đều tham gia hoạt động và phục vụ cách mạng. Đặc biệt trong số 8 người con thì 3 người : Phan Đình Khải (tức đ/c Lê Đức Thọ), Phan Đình Dinh (tức đ/c Đinh Đức Thiện), Phan Đình Đống (tức đ/c Mai Chí Thọ) đều là Ủy viên TƯ Đảng trong đó đ/c Lê Đức Thọ và đ/c Mai Chí Thọ là Ủy viên Bộ Chính trị được Đảng phân công giữ những cương vị trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tại ngôi nhà nay là từ đường chi Ất, thân mẫu của đ/c là Cụ Đinh Thị Hoàng đã nuôi giấu các đ/c Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh hoạt động cách mạng. Năm 1939 báo Tiến lên, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Nam Định và liên khúc đã dời về nhà cụ Đinh Thị Hoàng. Ngôi nhà trở thành địa điểm hoạt động bí mật, an toàn của Đảng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Ghi nhận những công lao to lớn đó, gia đình cụ vinh dự được Nhà nước trao tặng Bằng có công với nước (1979).

            Truyền thống của quê hương và gia đình đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng tư tưởng yêu nước, khơi dậy, hun đúc ý chí và thôi thúc đồng chí đến với cách mạng, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đòng chí Lê Đức Thọ từng giữ nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh đạo Đảng và nhà nước như : Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Bí thư thường trực ban Bí thư, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng…Với những công lao to lớn đó đồng chí được Đảng và nhà nước ta trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Đảng và nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười, Đảng và nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăngco…

          Điều đặc biệt đáng quý là dù trên cương vị nào hay công tác ở bất cứ đâu, đồng chí Lê Đức Thọ cũng luôn hướng về quê hương Nam Định với tình cảm tha thiết. Mỗi lần về thăm quê đồng chí luôn ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân địa phương.

 

Tháng 5 - 1963 đ/c Lê Đức Thọ cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đ/c Lê Văn Lương về dự đại hội Đảng bộ Nam định lần thứ V, đ/c căn dặn “Các đ/c và nhân dân Nam Định đấu tranh cách mạng rất anh dũng. Chúng ta đã dành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong công cuộc xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất nước nhà, chúng ta cần phải dũng cảm tiến lên để dành những thắng lợi cách mạng to lớn hơn nữa”

Năm 1973 đ/c Lê Đức Thọ về thăm chùa Tháp

Năm 1976, đ/c dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Nam Ninh lần thứ 1, gặp gỡ các đ/c lão thành cách mạng tỉnh Hà Nam Ninh, trồng cây đa lưu niệm tại hồ Vị Xuyên

Trong bài nói chuyện tại Đại hội, đ/c Lê Đức Thọ đã nhấn mạnh “Năng lực lãnh dạo và sức chiến đấu của Đảng phụ thuộc một cách quyết định vào trình độ mọi mặt và chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng viên”.

Năm 1984, đ/c Lê Đức Thọ nói chuyện với cán bộ và nhân dân huyện Nghĩa Hưng

Năm 1988,  đ/c Lê Đức Thọ về thăm chính quyền và nhân dân xã Nam Vân

Nhân dân Nam Định nói chung, dân làng thôn Địch Lễ nói riêng vô cùng phấn khởi, vui mừng được đón đ/c về thăm.

 Tại nhà ông Phan Đình Nghĩa – cháu họ của đ/c Lê Đức Thọ, mọi người sum vầy bên đ/c, cuộc trò chuyện thật cảm động. Khi đó, đ/c Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam Ninh có nhã ý đề nghị nguyện vọng của tỉnh và địa phương muốn xây dựng một khu lưu niệm về gia đình đồng chí để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau.

 Đ/c ngồi tâm tư suy nghĩ rồi quay sang hỏi: “các đ/c lãnh đạo tỉnh và địa phương có thường xuyên chăm lo đến đời sống các gia đình chính sách không? Bà con ta có đủ cơm ăn áo mặc không?”. Một cụ già đứng lên trả lời “Thưa đ/c, gia đình chúng tôi còn đói lắm ạ”.  Đ/c cảm động và nói: “cả 3 anh em chúng tôi cống hiến cho cách mạng là để chăm lo cuộc sống nhân dân. Vậy các đ/c hãy lấy số tiền đó để lo cho đời sống các gia đình chính sách”, rồi đồng chí tâm sự: “tôi rất muốn về thăm quê nhưng còn bận nhiều việc của đất nước nên không thể đi được. Mong bà con thông cảm cho tôi”.

Sau đó đ/c bồi hồi xúc động làm bài thơ “Tình quê hương” tặng và dặn dò con cháu họ hàng tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống của dòng họ, gia đình để xây dựng quê hương, đất nước.

“… Trở về thăm lại quê hương,

Sáu mươi năm mấy đoạn trường đã qua.

Đường đi ngàn dặm dù xa,

Tình quê vẫn thắm lòng ta dạt dào…”

Với những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam, tỉnh Nam Định đã xây dựng khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ trên quê hương Nam Vân để ghi nhớ công lao của đồng chí, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ và các tầng lớp nhân dân.

          Năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đ/c Lê Đức Thọ, Đảng, nhà nước , Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy nam Định, Thành phố Nam Định đã có nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm như: Hội thảo về đ/c Lê Đức Thọ với Cách mạng Việt Nam; lễ dâng hương tại khu tưởng niệm đ/c Lê Đức Thọ tại xã Nam Vân-Tp Nam Định; lễ mitting kỷ niệm tại nhà văn hóa 3-2…

                                                                                             Người viết bài

                                                                                            Vũ Thị Hoàng Lan

Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần, chùa Tháp. TP NĐ

 

*Tài liệu tham khảo:

Đ/c Lê Đức Thọ với Cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định (Tỉnh ủy Nam Định, Ban tổ chức trung ương, Ban tuyên giáo trung ương, học viện chính trị-hành chính quốc gia Hồ Chí Minh-XB t10/2011)

*Ảnh tư liệu :

Chụp tại nhà tưởng niệm đ/c Lê Đức Thọ- xã Nam Vân- Tp Nam Định


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn