Bảo tháp chùa Phổ Minh, một trong những nơi lưu giữ xá lỵ của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông- Người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của vương triều Trần, một vị vua anh minh, lỗi lạc. Trong 14 năm làm vua (1279-1293), với vai trò là người đứng đầu đất nước, Trần Nhân Tông đã ban hành nhiều quốc sách trị nước, an dân, cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan đội quân xâm lược Nguyên - Mông hùng mạnh.

            Khi đất nước trở lại thanh bình, Đức vua Trần Nhân Tông đã giác ngộ giáo lý nhà Phật và được Tuệ Trung thượng sỹ Trần Tung truyền tâm ấn. Từ đấy, ông tôn Tuệ Trung thượng sỹ là thầy và dốc lòng quy Phật.

            Năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Thuyên (Trần Anh Tông), lên làm Thái thượng hoàng, về ngự ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường. Tháng 8 năm Kỷ Hợi (1299), vua Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường xuất gia lên núi Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh) chuyên tâm tu Phật, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Phái Thiền Trúc Lâm ra đời và phát triển rất mạnh ở vùng Đông Bắc Đại Việt với trung tâm là Khu di tích Yên Tử.

Di tích chùa Phổ Minh còn gọi là chùa Tháp, tọa lạc về phía Tây, cách di tích Đền Trần khoảng 300m. Theo thuyết phong thuỷ, chùa Phổ Minh có thế đất “Rồng nằm” là nơi có thể phát phúc vô tận. Sử cũ và truyền thuyết tại địa phương cho biết, ngôi chùa nguyên được xây dựng từ thời Lý và được mở rộng dưới thời Trần, có mối liên hệ mật thiết tới Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tấm bia Phổ Minh thiền tự bi soạn vào niên hiệu Cảnh Trị 6 (1668) dựng ở phía Tây chùa có đoạn chép (dịch) như sau: “Nhà Lý xây dựng chùa, họ Trần điểm tô. Nhớ xưa đền - đài nguy nga, đỉnh đồng nghìn quân trấn giữ, quy mô lẫy lừng, tháp Phật trăm thước dựng lên”.

Sách Hoàng Việt địa dư nhất thống chí chép: “Phía Tây miếu Cố Trạch có ngôi chùa Phổ Minh, chùa này xây dựng từ triều Lý, đến triều Trần lại trùng tu, là một danh thắng của địa phương… Vạc chùa Phổ Minh nặng ngàn cân để làm di tích… Trước cửa chùa có ngọn tháp có thể cao 100 thước. Trước đây vua Trần Nhân Tông xuất gia tu đạo Phật, sau siêu hoá mới tạo nên phù đồ này để dấu nắm xương xá lỵ”.

            Sách Tam tổ thực lục cho biết, ngoài Yên Tử là nơi tu hành của Trần Nhân Tông, còn có 3 giới đàn do Phật - Hoàng lập ra ở chùa Chân Giáo (Hà Nội), chùa Báo Ân (Bắc Ninh) và chùa Phổ Minh (Nam Định). Như vậy, đương thời chùa Phổ Minh là một trung tâm truyền đạo của giáo phái Trúc Lâm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quý Mão (1303). Mùa xuân, tháng Giêng, Thượng hoàng (Trần Nhân Tông) ở Phủ Thiên Trường, mở hội vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc, tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh giới thí”.

            Sách Tam thổ thực lục còn cho biết thêm, vua Trần Nhân Tông đã mời các tăng nhân có danh vọng đến chùa Phổ Minh để mở trường dạy học. Ông còn viết nhiều sách về Phật học như: Tăng già toái sự, Thạch thất mị ngữ, Thiền lâm thiết chuỷ ngữ lục…

            Thiền phái Trúc Lâm do Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập là một phái Thiền “nhập thế”, có hệ tư tưởng riêng và mang đậm bản sắc Đại Việt. Thuyết lý của Trúc Lâm không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, mà sống, tu đạo và hành đạo theo cách “hoà lẫn thói thường chứ không làm cách trái hẳn với đời”. Một điều hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo trên thế giới là Thiền Trúc Lâm Đại Việt, trong kháng chiến chống xâm lược cũng như trong thời bình đều đặt vấn đề “quốc gia xã tắc” lên trên. Sự ra đời của phái Thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập đã chứng tỏ Đại Việt dưới thời Trần có một hệ tư tưởng tôn giáo độc lập - đỉnh cao của tư tưởng Việt Nam suốt hai thế kỷ XIII - XIV. Chính vì vậy mà trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông có một vị trí đặc biệt quan trọng.

            Trong suốt cuộc đời mình, dù làm vua, Thái thượng hoàng hay xuất gia, Trần Nhân Tông luôn hướng hành động của mình vào lợi ích của đất nước, chăm lo cho dân, trọng đãi công thần và hiền tài. Sử cũ còn ghi lại, mặc dù đã xuất gia, nhưng Trần Nhân Tông vẫn thường xuyên trở về Kinh sư, hay Thiên Trường để kiểm tra việc triều chính, đi vân du nhiều nơi để học hỏi, đề ra nhiều kế sách có lợi cho quốc kế dân sinh. Ngay cả việc ông chọn Yên Tử làm nơi tu hành cũng thể hiện sự quan tâm lo lắng của ông đối với đất nước, bởi nơi đây có vị trí trọng yếu, là địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.

Ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch tại am Ngoạ Vân, núi Yên Tử (Quảng Ninh). Sau khi ngài mất, thân xác được hoả táng. Theo truyền thuyết thì xá lỵ của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông hỏa táng thu được 3000 viên, sau đó đem lưu giữ ở nhiều nơi để nhân dân và phật tử thờ phụng, trong đó có 21 viên, 7 viên được táng ở chùa Yên Tử (Quảng Ninh), 7 viên táng ở chùa Phả Lại (Hải Dương), còn 7 viên đưa về quê hương Tức Mặc, Phủ Thiên Trường. Vua Trần Anh Tông đã đưa xá lỵ của cha vào một hòm đá quý rồi đặt vào trong tháp Phổ Minh ở trước chùa. Vì thế mà trải qua bao nhiêu thời gian, đến nay các thế hệ nhân dân làng Tức Mặc vẫn truyền tụng câu ca:

Dù ai tranh bá đồ vương,

Trẫm xin gửi lại nắm xương chùa này.

 

 
 

Bảo Tháp trước Chùa Phổ Minh, hiện nay còn gọi là Chùa Tháp

Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã xác nhận, vào năm 1789, trấn thủ Hải Dương đã phá tháp để lấy đồng nhưng đến tầng thứ hai (từ trên xuống) gặp hòm đá nên đã cho xây lại. Các sách Đại Nam nhất thống chí và Nam Định địa dư chí đều ghi: “Thời Tây Sơn, Trần Túc bỏ ngọn đồng của tháp Phổ Minh, phá đến tầng thứ ba của tháp thì thấy một luồng hơi đỏ bốc lên, Trần Túc sợ giao xã sửa lại như cũ”. Tấm bia khắc vào thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long 17 (1819) hiện đặt tại chùa Phổ Minh đã khẳng định việc phá tháp ở thời Tây Sơn, cụ thể ở những tầng trên là có. Lần trùng tu tháp năm 1987 do ngành văn hoá tỉnh chủ trì đã phát hiện chiếc quách đá ở tầng thứ 3 từ trên xuống. Có thể khẳng định đây là chiếc quách đựng xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi ngài viên tịch như những tài liệu trên đã ghi chép.

Trong những năm gần đây các nhà nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu tìm hiều về những nơi cất giữ xá lỵ của Phật - Hoàng Trần Nhân Tông. Tất cả những nghiên cứu đó đều thống nhất nhận định những nơi lưu giữ xá lỵ của Phật - Hoàng Trần Nhân Tông như: Tháp Tuệ Quang (Huệ Quang); Tháp Báo Thiên và Bảo tháp Phổ Minh.

Tháp Tuệ Quang (Huệ Quang) hay còn gọi là tháp Tổ, tháp lớn nhất nằm ở khu vực trung tâm vườn tháp tổ phía dưới chùa Hoa Yên (Yên Tử, Quảng Ninh). Tháp Đại Thắng tư thiên bên hồ Lục Thuỷ còn gọi tháp Báo Thiên. Đây là toà tháp nổi tiếng được xây dựng năm 1057 dưới thời Lý Thánh Tông trong khuôn viên chùa Báo Thiên, nay thuộc khu vực Nhà Thờ lớn Hà Nội. Sách Tam Tổ thực lục cho biết “tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1329), sư Pháp Loa lập đàn tràng tại Viện Quỳnh Lâm, làm lễ điểm nhãn tượng Phật Di lặc và lấy một phần xá lỵ của Điều Ngự tại tháp Thắng Tư Thiên đem cất vào tháp đá tại viện Quỳnh Lâm”. Viện Quỳnh Lâm là nơi đào tạo tăng tài lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ XIV; trước đó nơi đây đã nổi tiếng với pho tượng Phật Di Lặc được xem là “An Nam tứ đại khí”. Tuy nhiên, cũng giống như tháp Báo Thiên, hai toà tháp tại Viện Quỳnh Lâm nay đều đã bị phá huỷ.

            Mặc dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng chùa Phổ Minh vẫn giữ được nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh cây tháp cổ và những hiện vật thời Trần, ở chùa Phổ Minh còn có nhiều hiện vật ở các thời đại có giá trị. Đặc biệt, tại toà thượng điện còn thờ pho tượng gỗ tạc Đức vua Trần Nhân Tông trong tư thế nhập cõi niết bàn. Điều đó càng góp phần khẳng định vai trò của chùa Phổ Minh cũng như vị trí của hành cung Thiên Trường trong đời sống chính trị, văn hoá, xã hội của quốc gia Đại Việt ở thế kỷ XIII - XIV.

Như vậy, qua những ghi chép và những bằng chứng lịch sử hiện còn, có thể xác định hành trình tu luyện, nhập diệt theo thế sư tử nằm, phân phát xá lị đi khắp nơi của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là một chuỗi công việc mô phỏng quá trình từ khi tu luyện đến lúc viên tịch. Trong chuỗi sự kiện đó thì Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngoạ Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Ngài. Đến nay, các địa danh lưu giữ xá lỵ của ngài đương thời đều là những trung tâm lớn về chính trị, kinh tế hoặc tôn giáo dưới thời Trần. Trong số các nơi được lưu giữ xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông phải kể đến chùa Phổ Minh và Bảo tháp tại chùa.

            Hơn 700 năm đã trôi qua, ngôi chùa Phổ Minh đã chứng kiến bao sự đổi thay của lịch sử dân tộc, nhưng vẫn còn đó hào khí Đông A một thời và những giá trị lịch sử, văn hoá của quê hương, đất nước. Chùa Phổ Minh, một trung tâm tôn giáo của quốc gia Đại Việt thời Trần gắn liền với cuộc đời Đệ nhất tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông vẫn mãi trường tồn với thời gian.

            Nhân kỷ niệm 711 năm (3/11/ năm Mậu Thân/1308 - 3/11/ năm Kỷ Hợi/2019) ngày Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, chúng ta khảo cứu lại những địa danh đã từng gắn bó với Phật - Hoàng, trong đó có Bảo tháp chùa Phổ Minh tại quê hương Nam Định như một sự tri ân công đức và để góp phần truyền bá tư tưởng và giá trị di sản của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần do vua Trần Nhân Tông sáng lập cho muôn đời con cháu mai sau./.

 

                             Trần Kim Phượng

 Ban quản lý Khu Di tích lịch sử VH Đền Trần, Chùa Tháp TP. Nam Định



Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn