TÍN NGƯỠNG THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT

    Trải qua mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh sinh tồn, dân tộc Việt Nam đã sinh ra rất nhiều nhà chính trị, quân sự, văn hóa … lỗi lạc có công với dân, với nước. Tên tuổi của họ gắn liền với những trang sử hào hùng của đất nước như: Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi, Quang Trung, … Trong số đó, Trần Hưng Đạo nổi lên là nhân vật tài hoa đức độ, một nhân cách lớn, một thiên tài quân sự - người mà tên tuổi đã gắn liền với chiến công ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông (thế kỷ 13-14), đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và ông đã được nhân dân “thánh hóa” với cách gọi đầy tôn kính: “Đức Thánh Trần”, cũng chỉ có ông chứ không phải ai khác được mọi thế hệ xưng tụng làm “Cha”.

    Đức Thánh Trần tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 10 tháng Chạp năm 1228 (hay năm 1230 hoặc 1232?) tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), ông là con trai thứ của An Sinh vương Trần Liễu, anh trai vua Trần Thái Tông ( Trần Cảnh). Về gốc tích ra đời của ông, song song với dòng chính sử chép về Trần Quốc Tuấn là một dòng dã sử truyền miệng đầy chất huyền thoại kể về Đức Thánh Trần do Thanh tiên đồng tử trên Thiên Đình phụng lệnh Ngọc Hoàng đầu thai xuống hạ giới, giáng sinh vào nhà Thân vương, mang theo kiếm phi thiên thần và tam bảo của Lão Tử, ngũ tài của Thái Công, sau làm một vị tướng đệ nhất Trung Hưng, đến khi tuổi già được hóa làm danh thần để cai trị việc nhân gian, con cháu đời đời được ghi vào sổ phúc đức… ngay sau đó Thân Vương phu nhân sinh ra Vương, trong lúc sinh Vương gió thoảng hương đưa, sinh hào quang khắp nhà, rạng sáng hôm sau có một vị đạo sĩ đến cửa xin yết kiến. An Sinh Vương nói “Tiên sinh từ xa tới đây, chẳng hay có việc gì quý báu chăng? Người đạo sĩ trả lời “Đêm qua tôi thấy một ngôi sao sa tới đây, cho nên hôm nay đến xin yết kiến và báo cho Thân Vương biết”. An Sinh Vương   người nhà đem công tử ra để đạo sĩ coi. Coi xong đạo sĩ quỳ xuống chắp tay vái mừng Thân Vương mà nói “Tốt thay, công tử quý hóa này mai đây ắt có những tài kinh bang tế thế, giúp rập quốc gia”… Vương mới đầy tuổi đã biết nói, sáu tuổi đã bày trận đồ bát quái, biết đọc thơ ngũ ngôn. Lớn lên càng thông minh đĩnh ngộ, tư bẩm sáng suốt lại được An Sinh Vương Trần Liễu cho mời các danh sư trong nước về dạy văn võ. Vì vậy Quốc Tuấn nổi tiếng là người học rộng hiểu nhiều đặc biệt là binh thư, binh pháp, cưỡi ngựa, bắn cung…

    Vào năm Thiên Bảo thứ 5 đời vua Trần Nhân Tông (1283) ngài được tấn phong tước Quốc Công, giữ chức Tiết chế thống lĩnh binh quyền. Với tài thao lược, trí dũng song toàn, ngài đã lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến đấu và giành thắng lợi trước quân Nguyên Mông – đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, giữ vững chủ quyền của quốc gia. Ngài cũng là tác giả nổi tiếng của thiên hùng văn Hịch Tướng sĩ và hai cuốn binh thư là “Binh thư yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư”. Sau khi mất, Ngài được triều đình phong tặng danh hiệu: “Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương”.

    Ghi nhận công lao to lớn của Ngài, ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh số 22C NV/CC, quy định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có ngày kỷ niệm lịch sử Trần Hưng Đạo là ngày 20/8 âm lịch. Từ đó đến nay, ngày 20/8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Lễ quan trọng của dân tộc ta.

    Tháng 2 năm 1984, Hội Hoàng gia nước Anh đã tổ chức một cuộc họp với sự có mặt của 478 nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự của nhiều nước trên thế giới. Hội nghị đã đề cử danh sách 98 tướng, soái xuất sắc từ thời cổ đại cho tới ngày nay rồi tiến hành bỏ phiếu lựa chọn 10 vị tướng, soái kiệt xuất để in trong cuốn Bách khoa toàn thư nước Anh. Trong 10 vị tướng, soái được lựa chọn có hai người con ưu tú của Việt Nam, đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong thời kỳ Trung đại với số phiếu  478/478 đạt tỷ lệ 100% ( Người đã đánh thắng kẻ thù mạnh nhất thế giới – quân Nguyên Mông – ghi chú thêm trong phiếu bầu) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời kỳ hiện đại với số phiếu  478/478 đạt tỷ lệ 100%.

    Có thể nói Trần Hưng Đạo mất đi để sống mãi như một nhân vật lịch sử. Nhưng đối với nhân dân Ngài không hề mất: sinh làm tướng giúp dân giúp nước, chết làm thần giúp nước giúp dân.

    Việc Ngài được “thánh hóa” là hiện tượng hợp với tâm thức và ước nguyện của người Việt: là thần thánh hóa người có công với dân, với nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi, được muôn đời ngợi ca bởi tấm gương trung hiếu, khí phách kiên cường, tài năng quân sự và tấm lòng tín nghĩa. Nhân dân không gọi trực tiếp tên của Ngài mà gọi là Hưng Đạo Đại Vương, Đức Thánh Trần, là Cha. Việc thờ phụng Đức Thánh Trần hiện nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến của nước ta: Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.

    Cũng như các tín ngưỡng dân gian khác, Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của nhân dân, nội dung nổi bật của Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

    "Tháng tám giỗ cha - tháng ba giỗ mẹ” đã trở thành một tập quán tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trong số các vị Thánh bất tử, chỉ duy nhất Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn  là nhân vật lịch sử có thật, được cho là linh thiêng bậc nhất. Có thể hiểu điều này giống như lòng ngưỡng mộ và tôn sùng mà nhân dân dành cho vị Anh hùng gắn với những chiến công hiển hách thế kỷ XIII.

 
Đền Thiên Trường – Phường Lộc Vượng - TPNĐ

    Trải qua hơn 700 năm, các truyền thuyết và nghi lễ, lễ hội thờ phụng Đức Thánh Trần đã hình thành và phát triển khắp nơi trên đất nước ta. Có nhiều hình thức tôn vinh mang tính phổ biến đã tạo nên sức sống trường tồn, bền bỉ và có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với con người.

    Xung quanh Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần không chỉ có các di sản văn hóa hiện hữu mà là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đa sắc màu, thấm đẫm giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền, đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, là các hình thức diễn xướng âm nhạc, ca hát, các hình thức trang trí, kiến trúc. Các cuộc tế lễ, dâng hương tưởng niệm Trần Hưng Đạo được tiến hành theo kịch bản được xây dựng công phu và được cử hành nghiêm trang, trọng thể với các nghi lễ vừa linh thiêng, kính cẩn vừa huyền bí.

    Nhìn chung, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có tục thờ Đức Thánh Trần ở các địa điểm: đền, điện, phủ, miếu, đình, chùa theo nhiều hình thức như: thờ chính, thờ vọng hoặc rước chân nhang. Ở phía Bắc, nơi thờ nhiều nhất là tỉnh Nam Định, kế đến là Thái Bình, Hà Nội… ở các tỉnh phía Nam tuy ít hơn nhưng gần như tỉnh, thành phố nào cũng có.

    Trong tâm thức của nhân dân Việt Nam đến nay, vẫn coi ngày giỗ Đức Thánh Trần là một ngày lễ trọng – ngày hội. Từ Nam chí Bắc, dân chúng nô nức đi chảy hội đền Trần.
 
 Đoàn rước kiệu từ đình Tức Mặc thờ thành hoàng làng lên đền Trần chầu đức Vua, đức Thánh Trần

    Tại di tích quốc gia đặc biệt đền Trần, chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, hàng năm cứ vào dịp tháng Tám âm lịch, chính quyền và nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức kỷ niệm ngày kỵ của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với nhiều nghi lễ tín ngưỡng như rước kiệu, tế lễ, hát văn và nhiều trò chơi dân gian khác như: múa rồng, múa lân, biểu diễn võ thuật, đấu vật, chơi cờ người, chọi gà…

 
 Nghi thức tế nữ quan tại đền Cố Trạch – Phường Lộc Vượng - TPNĐ

    Đức Thánh Trần là biểu tượng bất diệt của bản trường ca về chủ nghĩa yêu nước, yêu dân tộc; là hình mẫu về sự hy sinh, cống hiến vì nhân dân, vì đất nước. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần chính là tuân thủ quy luật sinh vi tướng, tử vi thần trong văn hóa Việt, có giá trị to lớn trong giáo dục nhân cách và đạo lý làm người; giáo dục, vun bồi lòng yêu quê hương, yêu giống nòi, bài học về ý thức tự lực tự cường dân tộc, về việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

    Trần Hưng Đạo, trước khi từ lịch sử bước sừng sững vào tâm thức tín ngưỡng dân gian, đã để lại không chỉ những chiến công lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông mà cao hơn, là để lại một di chúc chính trị - quân sự có giá trị vượt qua mọi thời đại lịch sử, vượt qua không gian và thời gian: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là kế thượng sách để giữ nước”. Khoan thư sức dân không đơn giản là một kế sách mà là triết lý tồn tại cho mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, là chân lý của mọi thời đại. Đó là tư tưởng thân dân, đặt con người vào vị trí cao nhất trong nghệ thuật trị quốc. Tư tưởng chủ đạo ấy khai thông mạch nguồn dân tộc, làm thăng hoa sức mạnh con người Việt Nam, tạo nên khí phách Việt Nam. 

    Đất nước ta đang có những bước phát triển mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, trong tâm thức người dân đất Việt, Đức Thánh Trần và các vị tiền bối của dân tộc ta đã, đang và sẽ mãi là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, bản lĩnh, trí tuệ, nghị lực và tài năng cho các thế hệ sau này của đất nước noi theo cùng thi đua sống, lao động và học tập góp phần nâng cao vị thế, tầm vóc và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Sưu tầm, biên tập

Vũ Thị Tuyết Mai

BQL khu DTLSVH Đền Trần – Chùa Tháp TP Nam Định

 

    Tài liệu tham khảo:

         1. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Thời Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Định – Sở VHTTNĐ 2004.

         2. DTLSVH đền Trần, chùa Tháp tỉnh Nam Định - NXBVHDT 2011


Video sự kiện
  • Trần Tế Xương và những bài thơ đi cùng năm tháng
  • Nhà lưu niệm TÚ Xương - Địa chỉ văn hoá cho người yêu thơ
  • Hoạt động TN,HN - Giáo dục địa phương tại Đền Trần, Nam Định Trường THPT Trần Văn Lan n
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐỀN TRẦN, CHÙA THÁP
Địa chỉ :Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định
Điện thoại : 0228.3866664
Email : banqldentran@namdinh.gov.vn