THIỀN SƯ PHÁP
LOA – VỊ TỔ THỨ HAI CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM
Thiền sư Pháp Loa được coi
là người chính thức nối dòng của thiền phái Trúc Lâm và là vị tổ thứ hai của
thiền phái này, tên thực là Đồng Kiên Cương.
Ông sinh năm 1284, dưới thời vua Trần
Nhân Tông. Quê làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cha là Đồng
Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Tương truyền, mẹ ông nằm mộng thấy dị nhân trao cho
kiếm thần rồi sau đó mang thai. Mẹ ông trước đã sinh tới tám người con gái,
không muốn sinh thêm nữa nên khi mang thai ông, bà đã uống thuốc phá thai.
Nhưng phá tới bốn lần mà thai không hư, vì thế khi sinh ông đươc đặt tên là
Kiên Cương, nghĩa là “cứng rắn”. Khi còn nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh,
nói năng hiền từ, không ăn cá, thịt.
Năm 1304, khi ông được 21 tuổi, vua
Trần Nhân Tông đi du hành tại các miền thôn quê, phá trừ dâm từ, thuyết pháp và
bố thí. Gặp được Trần Nhân Tông, ông xin được xuất gia. Trần Nhân Tông liền
nghĩ: “Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là pháp khí”, đặt tên là Thiện Lai.
Thiện Lai được Trần Nhân Tông gửi tới Quỳnh Quán gặp hòa thượng Tính Giác. Ông
hỏi hòa thượng Tính Giác rất nhiều điều vẫn chưa được giải đáp triệt để. Ông
nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, đến đoạn A Nan hỏi Phật bảy lần về vị trí của Tâm
và đoạn nói về khách trần, thì có chỗ sở ngộ.
Tượng Pháp Loa được thờ tại Thượng điện
Chùa Phổ Minh (TP. Nam Định)
Khi Pháp Loa được nghe Nhân Tông lên pháp
đường đọc bài tán Thái Dương Ô kê, trong
tâm có phần chứng ngộ. Nhân Tông liền cho Kiên Cương đi theo hầu bên mình. Một
hôm, ông dâng ba bài tụng lên Nhân Tông đều bị chê. Trần Nhân Tông khuyên ông về tự mình tham khảo. Ông về phòng
thức tới quá đêm, bỗng thấy hoa đèn rụng, rồi đại ngộ. Ông được Nhân Tông ban
cho ấn chứng. Từ đó ông nguyện tu theo 12 hạnh đầu đà.
Năm 1305, Nhân Tông nhận thấy Thiện Lai tu tập tiến bộ nên ban đạo
hiệu Pháp Loa cho ông. Năm 1306, ông được Nhân Tông cử làm giảng chủ tại chùa
Báo Ân. Năm 1307 nhận thấy Pháp Loa là người đứng đầu trong các thị giả, Nhân
Tông đã thuyết giảng bộ Đại Tuệ Ngữ Lục cho ông nghe. Đến tháng năm, ngày rằm năm
ấy ông được Điều Ngự Trần Nhân Tông trao y bát và Tâm kệ tại am Ngọa Vân, núi
Yên Tử. Mùng 1 Tết năm 1308, Pháp Loa chính thức làm trụ chì chùa Siêu Loại và
đồng thời là vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.
Tháng 11 năm 1308, Điều Ngự viên tịch.
Sau khi Pháp Loa trở về núi và soạn lại những bài tụng của Điều Ngự rồi biên tập
thành Thạch Thất mị ngữ.
Năm 1312, khi Pháp Loa tới kinh sư
giảng Đại Tuệ Ngữ Lục ở chùa Tư Phúc, Nhà vua đã sai người tôn thất hiến cho sư
500 mẫu ruộng, và 5 vạn quan tiền trích từ kho của triều đình cúng dường cho
Pháp Loa nhưng sư đem số tiền ấy bố thí cho dân nghèo.
Trong thời gian hành đạo Pháp Loa
đã kết nạp hàng nghìn đệ tử xuất gia, quy y. Trong số đó có cả hoàng thân, quốc
thích, các quý tộc xuất gia và thọ Tam giới dưới sự hướng dẫn của Pháp Loa. Họ
cũng bố thí vàng bạc vào việc in ấn kinh sách, tạc tượng, mở mang chùa và tu viện…
Những đóng góp của Pháp Loa đối với Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật Giáo
nói chung là không kể xiết.
Pháp Loa mất năm 1330, thọ 47 tuổi.
Các đệ tử khâm liệm và chôn cất ông tại chùa Thanh Mai (thành phố Chí Linh,
tỉnh Hải Dương).
Một trong những nơi thờ tự Pháp Loa
nói riêng, Trúc Lâm tam tổ nói chung tiêu biểu nhất hiện nay ở Việt Nam là chùa
Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Chùa Phổ Minh tọa lạc tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam
Định, tỉnh Nam Định. Theo sử sách thì chùa được dựng từ thời Lý, khoảng năm
1010 – 1225, nhưng khi nhà Trần lên ngôi trị vì đất nước, năm 1262, đã cho tu sửa
chùa với quy mô to lớn hơn, nhằm phục vụ cho nhu cầu tu hành của các quan lại,
quý tộc cao cấp triều Trần.
Cũng giống như những ngôi chùa khác trên đất nước Việt
Nam, chùa Phổ Minh thờ Phật, ngoài ra tại Thượng điện chùa còn thờ Tam tổ Trúc
Lâm. Ở giữa tòa Thượng điện, là nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
là người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền duy nhất ở Việt Nam. Tượng
được đặt trong tư thế nằm nghiêng từ trái sang phải. Hai cánh tay để trần, tay
phải đặt lên gối, tay trái chống đầu chênh chếch. Hai bàn chân trần, chân trái
duỗi xuôi, chân phải co cao đặt lên ống chân trái. Cả bức tượng được đặt trong một khám thờ hình chữ nhật.
Bên phải tượng thờ Phật Hoàng
Trần Nhân Tông là tượng thờ vị tổ thứ 2 – sư
Pháp Loa, bên trái thờ vị tổ thứ 3 – sư Huyền Quang. Tượng Pháp Loa được làm bằng gỗ, mang dáng vẻ
của một nhà sư, dáng thon cao đang ngồi trong tư thế thiền: hai chân xếp bằng,
hai tay đặt trước lòng, áo cà sa có cổ hình chữ V. Tượng
Huyền Quang được tạc trong tư thế ngồi chống chân xuống dưới, hai tay đặt lên hai gối.
Hiện nay, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Đền Trần, Chùa Tháp đang đề
nghị Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Nam Định và
các cơ quan chức năng thẩm định Hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tượng Trúc Lâm tam tổ ở chùa Phổ Minh là bảo vật quốc
gia.
Tài
liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư – Lê Văn Hưu
- Việt Nam Phật giáo sử luận – Nguyễn Lang
Bùi Thu Trang
Tổ
Nghiệp vụ văn hóa – BQL khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần, chùa Tháp